• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.218,57 -13,32/-1,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.218,57   -13,32/-1,08%  |   HNX-INDEX   221,53   -2,29/-1,02%  |   UPCOM-INDEX   91,33   -0,54/-0,59%  |   VN30   1.271,22   -15,43/-1,20%  |   HNX30   469,62   -6,98/-1,46%
16 Tháng Mười Một 2024 8:41:50 SA - Mở cửa
Báo cáo thương mại 2018 SSI Retail Research: Cá tra 'cứu' ngành thuỷ sản, rau quả chịu khó khăn
Nguồn tin: Người đồng hành | 30/01/2019 4:24:39 CH
Theo báo cáo thương mại Việt Nam năm 2018 của Khối phân tích khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán SSI (SSI Retail Research), nông sản lâu nay vẫn được định hướng là nhóm hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, với nhiều mặt hàng từng bước tiến sâu vào thị trường thế giới như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản, rau quả, gỗ... Năm 2018, giá trị nông sản xuất khẩu đã vượt mức 40 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu, và đứng thứ 15 thế giới. Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD, tương đương năm 2017.
 
Tuy nhiên, xuất khẩu năm nay không đạt tăng trưởng hai con số mà giảm về mức 9,6%. Cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến nguồn cung tăng nhanh trong bối cảnh cầu yếu, dẫn tới giá các mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh. Kết quả, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có sản lượng xuất khẩu tăng tích cực nhưng giá trị tăng không tương xứng hay thậm chí giảm như cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, tôm…
 
 
Ngành điều vẫn thiếu chủ động nguồn cung
 
Hạt điều là mặt hàng chủ lực của Việt Nam với thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều thế giới. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hạt điều giảm 4,2% trong năm 2018 chỉ đạt 3,43 tỷ USD khi giá giảm 9% so với năm 2017. Nhập khẩu của cả 3 thị trường lớn nhất là Mỹ (39%), Trung Quốc (15%) và Hà Lan (13%) đều giảm.
 
Khác với các giống cây trồng khác, ngành điều Việt Nam không thể chủ động về đầu vào khi có tới 70% nguyên liệu là nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi nên phụ thuộc rất nhiều vào các biến động về nguồn cung.
 
Ngành rau quả tiềm ẩn nhiều rủi ro
 
Xuất khẩu rau quả lần đầu lọt vào danh sách 3 mặt hàng nông lâm sản chủ lực với giá trị 3,81 tỷ USD. Đây là mặt hàng mũi nhọn của nông sản Việt Nam trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm là 29%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng năm 2018 giảm tốc đáng kể, chỉ đạt 9,5% sau khi tăng 50% trong năm 2016 và 43% trong năm 2017.
 
Mặt hàng này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thị trường Trung Quốc khi chiếm tới 70% tổng giá trị. Trong năm 2018, giá thanh long (tỷ trọng khoảng 30%) đột ngột giảm mạnh do cầu từ Trung Quốc giảm. Mặt hàng ớt (khoảng 10%) và đu đủ cũng gặp khó khăn do không đạt các chỉ tiêu an toàn.
 
Tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, việc thiếu đa dạng sản phẩm và phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường và sản phẩm chủ đạo khiến ngành rau quả tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị ảnh hưởng khi có các biến động về cung cầu.
 
 
Nguồn: SSI Research.
 
Ngành nông sản nói chung chịu không ít khó khăn khi các thị trường phát triển ngày càng chú trọng quản lý và siết chặt các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm, đòi hỏi hàng hóa phải đạt các tiêu chuẩn rất khắt khe. Việc đẩy mạnh sản xuất theo quy mô lớn và phát triển thương hiệu theo hướng tăng cường xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp hàng nông sản Việt Nam kiểm soát chất lượng và ổn định đầu ra của sản phẩm.
 
Ở phía tích cực, xuất khẩu gạo tăng trưởng cả về lượng và giá. Cùng với gạo, mặt hàng cá tra, đồ gỗ là một vài điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu nông sản năm 2018.
 
Ngành gỗ bứt phá
 
Xuất khẩu gỗ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm đạt 8,86 tỷ USD trong năm 2018. Gỗ và các sản phẩm gỗ lần đầu tiên vượt thủy sản trở thành mặt hàng nông lâm thủy sản số một về giá trị xuất khẩu.
 
Cùng với đó, Việt Nam vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ ở Đông Nam Á, xếp thứ 2 ở châu Á và thứ 5 toàn cầu. Đây là một trong những ngành được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các đơn hàng và vốn đầu tư vào ngành này có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ.
 
Cá tra "cứu" ngành thủy sản
 
Xuất khẩu cá tra phục hồi ấn tượng với mức tăng kỷ lục 26,5% đạt 2,26 tỷ USD, với các thị trường chính đều tăng trưởng tốt. Thị trường Liên minh châu Âu khởi sắc trở lại, trong khi Trung Quốc và ASEAN tiếp tục tăng mạnh 28% và 41%. Tuy nhiên, động lực chính nằm ở thị trường Mỹ với mức tăng trưởng 59% trong năm 2018.
 
Riêng tháng 12, Mỹ lấy lại vị trí thị trường xuất khẩu số 1 của cá tra nhờ việc thuế chống bán phá giá theo kết luận sơ bộ lần thứ 14 giảm mạnh, hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam được công nhận tương đương và cơ hội giành thị phần nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
 
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.