Sáng ngày 17/3, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE:
GVR) niêm yết toàn bộ 4 tỷ cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Chào sàn giữa bối cảnh thị trường chung diễn biến xấu, cổ phiếu
GVR mở cửa trong sắc đỏ tại giá 10.500 đồng/cp, giảm hơn 9% so với mức giá tham chiếu 11.570 đồng/cp. Cổ phiếu có thời điểm rơi xuống dưới mệnh giá.
GVR chào sàn HoSE với giá mở cửa 10.500 đồng/cp.
Tập đoàn Cao su được cổ phần hóa vào đầu năm 2018 khi bán hơn 100 triệu cổ phiếu trong tổng số 475 triệu đơn vị chào bán ra công chúng, giá đấu thành công bình quân đạt 13.011 đồng/cp. Do không bán hết, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 96,77% vốn điều lệ.
Cổ phiếu
GVR bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ 21/3/2018 với giá 10.900 đồng/cp và có giai đoạn tăng mạnh vào giữa năm 2019 lên mức đỉnh 16.600 đồng/cp. Tuy nhiên cổ phiếu bị điều chỉnh sau đó về mức 12.500 đồng/cp tại phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM.
Tập đoàn Cao su hiện sở hữu quy mô tài sản lên đến 76.000 tỷ đồng, trong đó lượng tiền đạt trên 11.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước này có diện tích cao su kinh doanh vào khoảng 220.733 ha, diện tích KCN hơn 1,4 triệu m2 và diện tích nông nghiệp công nghệ cao gần 3,44 triệu m2. Với việc niêm yết tại HoSE, Tập đoàn sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ xếp sau ngân hàng BIDV.
Về kinh doanh, doanh thu năm 2019 đạt 23.139 tỷ đồng và và lợi nhuận sau thuế đạt 3.991 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 19,7% so với năm 2018.
Năm 2020, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, làm cơ sở trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 thông qua, với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 24.647 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.029 tỷ đồng. Cổ tức của Công ty mẹ Tập đoàn năm 2020 dự kiến là 6%.
Định hướng của tập đoàn vẫn là tập trung phát triển các lĩnh vực chính bao gồm trồng và khai thác mủ cao su, công nghiệp cao su, chế biến gỗ, phát triển khu công nghiệp trên đất cao su và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng một số lĩnh vực ngành nghề kinh doanh khác được các cấp thẩm quyền chấp thuận.
Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ hướng đến việc đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn, bao gồm việc vận hành theo mô hình công ty cổ phần, thoái vốn ở các công ty đã đủ điều kiện và sắp xếp lại, cơ cấu nguồn vốn đầu tư phát triển và tăng cường hiệu năng quản lý, tái đầu tư góp vốn vào các công ty hoạt động hiệu quả.
Về công tác quy hoạch quản lý đất đai, tập đoàn sẽ chuyển đổi một phần diện tích sang trực tiếp đầu tư, hoặc liên kết đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ, các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung, các khu công nghiệp xanh, dự án năng lượng xanh…
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.