Kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm còn 216 tỷ đồng
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020, ban lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam (UPCoM:
DVN) lên kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh khó khăn từ dịch Covid-19. Mục tiêu doanh thu và thu nhập hợp nhất là 5.854 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 216 tỷ đồng, giảm 10,5%. Cổ tức năm 2019 và năm 2020 dự kiến 4%/năm.
Kế hoạch kinh doanh trên dựa trên giả định rằng các công ty như Codupha, OPC, Danapha, Phytopharma thực hiện ứng cổ tức với tỷ lệ tương đương năm 2019. Cổ tức của Sanofi-Synthelabo năm 2020 dự kiến nhận tương đương kế hoạch năm 2019.
Quý I, công ty ghi nhận doanh thu 1.322 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế là 31,7 tỷ đồng. Sau 3 tháng, Dược Việt Nam đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 15% kế hoạch lợi nhuận.
Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty đưa dự đoán những tác động đến ngành dược Việt Nam. Đầu tiên là việc đứt gãy chuỗi cung nguyên liệu ngắn hạn. Nguồn nguyên liệu dược phẩm chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm hơn 80%) bị thiếu hụt trong ngắn hạn do dịch bệnh diễn ra tại một số tỉnh tập trung các cơ sở sản xuất nguyên liệu dược phẩm ở Trung Quốc như Hồ Bắc, Giang Tô và Sơn Đông khiến nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu khẩn cấp 13 loại hoạt chất thuộc nhóm giảm đau – hạ sốt và nhóm vitamin do không nhập được nguyên liệu ban đầu từ Trung Quốc trong Quý I.
Tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và các đối tác nước ngoài cũng bị trì hoãn do việc di chuyển của các chuyên gia và đối tác giữa các quốc gia bị hạn chế bởi dịch Covid-19, cản trở tiến độ của các hoạt động hợp tác như thẩm định tiêu chuẩn sản xuất tốt (GMP) và xét duyệt quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ các đối tác ở châu Âu, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, dịch bệnh ảnh hưởng không đáng kể tới đầu ra các doanh nghiệp dược phẩm nội địa. Doanh thu kênh nhà thuốc (OTC) tăng trưởng mạnh do tâm lý tích trữ và nhu cầu bảo vệ sức khỏe. Theo Kantar Vietnam Worldpanel, doanh thu tăng khoảng 164-168% trong tháng 2 nhờ nhu cầu cho các sản phẩm phòng bệnh như khẩu trang và nước rửa tay tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dược chưa tích cực do khẩu trang hay nước rửa tay đều không phải mặt hàng kinh doanh chính và thị trường phân mảnh với sự cạnh tranh của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân hoặc/và mỹ phẩm.
Nhu cầu cho các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch tăng, tuy nhiên, thị phần thuộc về các sản phẩm nước ngoài. Sức cạnh tranh của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng nội địa thấp bởi số lượng doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất giảm từ 4.190 đơn vị xuống con số 300 sau khi Nghị định 15/2018 siết chặt tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng từ tháng 7/2019.
Dịch bệnh cũng chưa có nhiều tác động mạnh tới kênh bệnh viện (ETC) ở Việt Nam. Nhu cầu cho các sản phẩm đấu thầu chưa tăng do chưa hoạt chất nào được cấp phép và khuyến cáo sử dụng trên bệnh nhân nhiễm Covid-19 (trừ các loại hoạt chất được sử dụng trong phạm vi thử nghiệm lâm sàng). Vì vậy, triển vọng kênh ETC tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc trong các cơ sở công lập với lợi thế thuộc về các doanh nghiệp nội địa đầu tư cho tiêu chuẩn sản xuất cao cấp (như EU-GMP) nhằm hưởng lợi từ các ưu tiên trong chính sách đấu thầu cho sản phẩm nội địa có chất lượng tương đương và giá thấp hơn so với các sản phẩm nước ngoài.
Thị trường kinh doanh dược phẩm trong nước hiện nay cạnh tranh rất gay gắt. Đặc biệt, cạnh tranh về giá có thể dẫn tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp giảm sút. Công ty cũng hợp tác về vấn đề chuyển giao biệt dược gốc tại Sanofi Việt Nam và cho các doanh nghiệp thành viên, hợp tác xây dựng hệ thống phân phối và hợp tác phân phối sản phẩm.
Dược Việt Nam cũng chỉ ra cơ cấu tài chính an toàn với tỷ lệ vay nợ thấp là lợi thế của đa số các doanh nghiệp dược Việt Nam. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thấp ở mức dưới 0,8 lần, trong đó nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức dưới 0,3 lần. Việc này giúp các doanh nghiệp tránh được áp lực trả nợ gốc và nợ vay trong thời điểm nền kinh tế trì trệ do tác động từ dịch bệnh.
Dự kiến mua thêm cổ phần các doanh nghiệp liên doanh, liên kết
Về đầu tư, Dược Việt Nam dự kiến mua thêm cổ phần của các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để đảm bảo lợi ích công ty. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 3 công ty con là Dược phẩm Trung ương CPC1, Dược phẩm Trung ương Codupha và Dược Trung ương 3. Các công ty liên kết gồm Dược phẩm Sanofi - Synthelabo Việt Nam, Imexpharm, Danapha, Danapha-Nanosome, Xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam, Dược phẩm Trung ương 3, Dược phẩm Trung ương 25.
Bộ Y tế hiện nắm giữ 65% vốn và đang thực hiện các bước trong lộ trình thoái vốn trong năm nay. Ban lãnh đạo Dược Việt Nam cho biết Bộ đã lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm và đang lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn. Công ty phối hợp với các đơn vị tư vấn và cung cấp thông tin để các đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn báo cáo Bộ Y tế xem xét quyết định theo quy định của pháp luật.