Nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng STB sau phiên khớp lệnh kỷ lục 30/3.
Trong một tuần gần đây, thanh khoản cổ phiếu STB bình quân hơn 45 triệu đơn vị mỗi phiên, cao hơn 73% so với bình quân tháng 3.
Sau khi cổ phiếu
STB của Sacombank (HoSE:
STB) xuất hiện phiên giao dịch khớp lệnh kỷ lục ngày 30/3, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng mã này.
Hết phiên sáng 7/4, mã này được mua ròng gần 1 triệu cổ phiếu tương đương giá trị gần 22 tỷ đồng. Trong 4 phiên đầu tháng 4, nhà đầu tư ngoại mua ròng tổng số 8,7 triệu cổ phiếu
STB, tương đương giá trị gần 198,4 tỷ đồng.
Riêng ngày 30/3, khối ngoại mua ròng hơn 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 71,2 tỷ đồng và tiếp tục mua ròng hơn 1,6 triệu cổ phiếu, tương đương 35 tỷ đồng trong ngày 31/3.
Diễn biến giao dịch khối ngoại với cổ phiếu STB một tháng qua. Đơn vị: cổ phiếu, tỷ đồng.
Lũy kế từ phiên 30/3, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng liên tiếp 5 phiên với tổng khối lượng gần 15 triệu cổ phiếu
STB, tương đương giá trị hơn 326,5 tỷ đồng. Trước đó, cổ phiếu này thường bị khối ngoại bán ròng nhiều phiên liên tiếp vào đầu và giữa tháng 3.
Trong hơn một tuần gần đây, thanh khoản cổ phiếu
STB bình quân hơn 45 triệu đơn vị mỗi phiên, cao hơn 73% so với bình quân tháng 3. Phiên 30/3, cổ phiếu Sacombank tăng trần, với khối lượng khớp lệnh kỷ lục gần 100 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, thị giá
STB tăng hơn 21%.
Trước đó, gần 45,2 triệu cổ phiếu
STB được thỏa thuận ở giá 20.000 đồng/cp, tương đương giá trị gần 901,5 tỷ đồng, ngày 24/3. Tổng khối lượng giao dịch ở mức 68,1 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị hơn 1.329 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 3, mã này có nhiều phiên thỏa thuận khối lượng lớn. Tổng khối lượng thỏa thuận lũy kế, gần 96,8 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 1.937 tỷ đồng.
Đầu năm, Kienlongbank (UPCoM: KLB) có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần
STB, là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm cổ đông, để tất toán nợ có liên quan chậm nhất là ngày 31/3.
Giao dịch cổ phiếu STB từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: TradingView.
Năm 2021, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Tổng tài sản đến cuối năm ở mức 533.300 tỷ đồng, cao hơn 8% so với 2020, dư nợ tín dụng tăng 9% lên 372.000 tỷ đồng và vốn huy động tăng 9% lên 485.500 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Năm trước, ngân hàng lãi trước thuế 3.339 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019, vượt 30% so với kế hoạch. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản ở mức 492.516 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tín dụng tăng 15% lên 340.572 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,94% xuống 1,64%.
Tài sản có khác ở mức 37.355 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Trong đó khoản phải thu giảm 4% còn 21.277 tỷ đồng và lãi phí phải thu gần 17.500 tỷ đồng, giảm 10%. Dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác hơn 3.083 tỷ đồng.
"Sau sáp nhập, cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần Southern Bank trở thành cổ đông Sacombank, trong đó có tổ chức ngoại, United Overseas Bank. "
Doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu của Sacombank trong năm qua đạt hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu Sacombank sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Lũy kế từ khi triển khai đề án, mức thu hồi đạt 46.457 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch tổng thể Đề án đến 2025, vượt 4,2% tiến độ. Tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 48% so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tổng tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.
Tính từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý gần 47.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc đề án tái cấu trúc, đưa tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới 9% trong tổng tài sản.