Chuyên gia phân tích của một số ngân hàng cảnh báo về nguy cơ bong bóng đối với cổ phiếu thép trên Phố Wall.
Đại dịch Covid-19 khiến ngành thép Mỹ điêu đứng suốt mùa xuân năm 2020. Các nhà sản xuất buộc phải đóng cửa nhà máy và phải rất chật vật để có thể tồn tại trong bối cảnh kinh tế trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, đến nay, với đà phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà máy bắt đầu tái hoạt động nhưng vì tốc độ còn chậm chạp nên gây ra tình trạng thiếu thép trầm trọng.
Dù vậy, sự bùng nổ của ngành thép trong thời gian gần đây khiến một số chuyên gia lo ngại mọi thứ sẽ kết thúc trong nước mắt.
“Đà tăng này chỉ trong ngắn hạn. Tình trạng này rất phù hợp để gọi là bong bóng”, chuyên gia phân tích Timna Tanners của Bank of America nói với CNN Business.
Sau khi chạm đáy ở khoảng 460 USD trong năm 2020, giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ hiện là 1.500 USD/tấn, mức cao kỷ lục và gấp gần 2 lần mức trung bình của 20 năm qua.
Giá thép tăng mạnh cũng khiến cổ phiếu thép trở nên “bỏng tay” hơn. Cổ phiếu US Steel tăng 200% chỉ trong 12 tháng sau khi xuống thấp kỷ lục hồi tháng 3/2020 vì nỗi lo phá sản. Cổ phiếu Nucor cũng tăng 76% kể từ đầu năm nay.
Giá một số cổ phiếu thép tại Mỹ. Ảnh: Refinitiv.
Tuy nhiên, bà Tanners dự đoán thị trường sẽ chứng kiến một màn đảo chiều đau đớn, khi nguồn cung bắt kịp với nhu cầu khổng lồ hiện nay. “Chúng tôi dự đoán thị trường thép sẽ điều chỉnh, thậm chí sẽ điều chỉnh quá mức”, bà nói.
Ông Phil Gibbs, giám đốc nghiên cứu cổ phiếu kim loại tại KeyBanc Capital Markets, đồng tình rằng giá thép hiện nay không bền vững. “Tình hình này cũng giống với việc giá dầu 170 USD/thùng vậy. Khi đó, mọi người sẽ nói kiểu: ‘Chết tiệt, tôi sẽ không lái xe nữa, tôi đi xe bus’. Rồi thị trường sẽ điều chỉnh rất dữ dội. Vấn đề chỉ là thời gian và cách thức xảy ra mà thôi”.
Ông Gibbs tin chắc rằng giá thép đang rơi vào tình trạng bong bóng, không phải bản thân cổ phiếu thép.
Giống như gỗ xẻ, ngành thép rơi vào thế bị động trước xu hướng phục hồi nhanh chóng về nhu cầu vốn bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, đặc biệt trong ngành công nghiệp ôtô.
“Đột nhiên, mọi người mua rất nhiều ôtô”, bà Tanners của Bank of America cho hay. Trong khi đó, các nhà máy thép lâu đời ở Mỹ phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể tái khởi động dây chuyển sản xuất mà họ từng cắt giảm mạnh khi đại dịch bùng phát. Kết quả, tồn kho thép giảm nhanh trong khi các chuyến hàng nhập khẩu bị chậm trễ. Còn người mua bắt đầu đặt hàng nhiều hơn bình thường.
Tuy nhiên, tin tốt cho những người mua thép là tất cả nhà máy sản xuất từng bị ngừng hoạt động trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành nay đều đã quay trở lại. Đó là lý do bà Tanners tự tin rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ sớm kết thúc và giá thép sẽ sụp đổ.
Lịch sử cho thấy giá cổ phiếu thép có xu hướng đạt đỉnh trước giá thép khoảng một tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, cổ phiếu thép có thể vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư vì đây là ngành công nghiệp “in ra tiền” vào thời điểm hiện tại. Theo Citigroup, ngành công nghiệp thép cán dẹt của Bắc Mỹ dự kiến tạo ra mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021.
Alexander Hacking, chuyên gia phân tích tại Citi, nói: “Giá thép hiện nay đã đạt đỉnh (hoặc gần đạt đỉnh)… và sẽ điều chỉnh giảm mạnh vào một thời điểm nào đó”. Ông cảnh báo cổ phiếu thép cũng sẽ không thể thoát khỏi sự sụp đổ của giá thép.
Tất nhiên, những chuyên gia dự đoán thị trường thép sụp đổ có thể đang đánh giá thấp sức mạnh của đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Một đợt bùng nổ kéo dài trong đà phục hồi kinh tế có thể kích thích nhu cầu thép đủ lớn để giữ giá ở mức cao. Một rủi ro khác là các quy định khắt khe hơn về môi trường ở Trung Quốc có thể khiến nguồn cung thép tại đây bị hạn chế.
Một biến số lớn nữa là thuế mà cựu tổng thống Donald Trump từng áp lên hầu hết mặt hàng thép nhập khẩu vào năm 2018 để thúc đẩy ngành thép nội địa. Nếu chính quyền của ông Joe Biden rút lại một phần quyết định đó, áp lực lên nguồn cung sẽ giảm và giá thép cũng giảm theo.
Bà Tanners cho rằng điều này có khả năng xảy ra trong 12 tháng tới.
“Chúng ta đang bảo hộ cho một ngành công nghiệp mà ở đó đang có sự khan hiếm về nguồn cung và giá gần như gấp 3 lần mức trung bình trong lịch sử”.
Thép chỉ là một trong những nguyên liệu mà Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi kinh tế dần hồi phục từ đại dịch Covid-19. Mọi thứ, từ chip máy tính, gỗ xẻ cho tới clo, xe tải, đều trong tình trạng khan hiếm. Các nhà sản xuất, nhà hàng và doanh nghiệp khác cũng gặp khó khi tuyển dụng lao động.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế vừa cảnh báo thế giới sẽ không có đủ đồng, lithium và các khoáng sản thô khác để biến tham vọng năng lượng sạch thành hiện thực.
“Thế giới có nguy cơ cạn kiệt đồng”, nhóm phân tích tại Bank of America lưu ý với khách hàng.