Ngân hàng trung ương Trung Quốc bơm thêm tiền mặt ngắn hạn vào hệ thống tài chính lần đầu tiên kể từ tháng 3 trong bối cảnh nhu cầu thanh khoản gia tăng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm 30 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD) bằng hợp đồng mua lại đảo chiều 7 ngày, vượt xa mức giảm 10 tỷ nhân dân tệ giảm tính đến ngày 24/6.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng lên cao nhất kể từ tháng 2 do các ngân hàng tìm thêm nguồn vốn để mua trái phiếu và tích trữ tiền mặt chuẩn bị cho đợt kiểm tra theo quy định vào cuối quý.
Dù chủ yếu nhằm ứng phó tình trạng thắt chặt tạm thời, đây vẫn là thay đổi đáng kể của POBC trong quản lý thanh khoản. Trước ngày 24/6, PBOC chỉ hành động tối thiểu để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn của nhà đầu tư. PBOC còn từng không muốn bơm tiền chủ yếu do chi phí tài trợ thấp, phần nào vì lo ngại nguy cơ gia tăng đòn bẩy nợ.
“Việc này nhằm trấn an các lo ngại về thanh khoản khi quý II sắp kết thúc, trong khi lượng bơm ròng là rất nhỏ”, Hao Zhou, kinh tế gia cấp cao về các thị trường mới nổi tại Commerzbank AG, Singapore, nhận định. “PBOC cho thấy cam kết của họ trong duy trì thanh khoản ổn định”.
Trái với dự báo, trái phiếu chính phủ Trung Quốc không bị bán tháo trong năm nay – bất chấp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và sự phục hồi của kinh tế trong nước – nhờ tốc độ phát hành mới chững lại nhiều hơn kỳ vọng và dòng vốn chảy vào tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm xuống đáy 8 tháng 3,06% trong tháng 5 trước khi phục hồi về 3,09%.
Dù vậy, nguy cơ bán tháo đang tăng trở lại khi các chính quyền địa phương dự định bán khoảng 660 tỷ nhân dân tệ tháng này, động thái có thể hút cạn thanh khoản liên ngân hàng, theo Ming Ming, giám đốc nghiên cứu thu nhập cố định tại Citic Securities, Bắc Kinh. Các ngân hàng Trung Quốc có thể không sẵn sàng cho vay trong cuối tháng 6 bởi họ cần chuẩn bị cho đợt kiểm tra định kỳ của nhà chức trách.