Quý II, hãng hàng không lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng.
Sau nửa đầu năm, lỗ ròng lên đến 8.585 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 5.263 tỷ.
Sau khi điều chỉnh chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng, phần lỗ quý I tăng hơn 754 tỷ đồng so với báo cáo lập trước đó.
Tại 30/6, lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 17.771 tỷ đồng, vốn chủ âm 2.750 tỷ đồng.
Vietnam Airlines (HoSE:
HVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần tăng 9% lên gần 6.537. Các chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính giảm 84% xuống 141,5 tỷ đồng, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá giảm 82% về còn 131 tỷ đồng. Lãi tiền gửi, tiền cho vay bằng 1/5 cùng kỳ, ở mức 10,5 tỷ đồng. Tổng công ty cũng giảm được đáng kể chi phí bán hàng và chi phí tài chính, song chi phí quản lý phát sinh trong kỳ gần 454 tỷ đồng, tăng 76% so với quý II năm ngoái. Ngoài ra, kỳ này không ghi nhận khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận khác còn hơn 5,2 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Doanh thu cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines giảm đến 11,3%, tương đương 544,7 tỷ đồng. Không chỉ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ giảm, lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến dịch vụ cung cấp hàng không cũng giảm như Veaco, Nasco…
Đơn vị: tỷ đồng
Kết quả, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng, mức lỗ cao thứ hai từ khi thành lập, chỉ sau kết quả quý I. Sau nửa đầu năm, lỗ sau thuế thuộc công ty mẹ lên đến 8.585 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 5.263 tỷ. Với kết quả này, Vietnam Airlines đã điều chỉnh giảm hơn 754 tỷ đồng khoản lỗ sau thuế tại BCTC hợp nhất quý I từ 4.890 tỷ xuống 4.136 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ quý II/2020 trong BCTC hợp nhất quý II/2020 cao hơn 1.045 tỷ đồng so với mức 2.900 tỷ tại BCTC hợp nhất quý II/2021 vừa công bố. Nguyên nhân là do điều chỉnh giá vốn hàng bán từ hơn 9.869 tỷ về gần 8.861 tỷ đồng tại BCTC quý II/2021.
Doanh nghiệp cho biết số liệu chi phí khấu hao và chi phí phân bổ sửa chữa bảo dưỡng máy bay động cơ quý II và 6 tháng năm 2020 và 2021 đã được ghi nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Chính Phủ.
Trong năm ngoái, ngoài gói giải pháp hỗ trợ tài chính 12.000 tỷ đồng, Chính phủ cũng cho phép điều chỉnh chính sách khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng phù hợp với công suất sử dụng tài sản; giảm thuế bảo vệ môi trường, phí cất cánh, điều hành bay, phí bảo lãnh chính phủ. Năm 2020, hãng hàng không được phê duyệt điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng tàu bay động cơ, qua đó làm giảm chi phí 3.145 tỷ đồng.
Kế hoạch năm nay tiếp tục được xây dựng trên giả định Chính phủ cho phép áp dụng tiếp các chính sách về khấu hao tài sản và phân bổ chi phí theo đề xuất, bên cạnh giải pháp tự thân 6.800 tỷ đồng trong đó lớn nhất đến từ kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, các đối tác cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Qua đó, chi phí cắt giảm mục tiêu đạt trên 10.000 - 10.800 tỷ đồng.
Từ những giải pháp này, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm 11,6% so với thực hiện năm trước. Lỗ sau thuế là 14.526 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ công ty mẹ là 12.908 tỷ đồng.
Với việc lỗ quý thứ 6 liên tiếp, lỗ sau thuế chưa phân phối cuối quý II của Vietnam Airlines tăng đến 17.771 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và âm 2.750 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản doanh nghiệp giảm hơn 1.300 tỷ đồng xuống 6.255 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền của hãng còn 1.288 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Tổng vay nợ tài chính của Vietnam Airlines là 34.462 tỷ đồng, trong đó dài hạn chiếm 59%.
Tổng công ty đang triển khai kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phần
HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đầu tháng 7 vừa qua, hãng hàng không đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Việc cho vay tái cấp vốn và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Do đó, nếu không thể sớm tăng vốn điều lệ, cổ phiếu
HVN của Vietnam Airlines có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE. Cổ phiếu này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.