Theo dõi 30 doanh nghiệp phân bón niêm yết, nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy sự chững lại về lợi nhuận trong quý III, sau khi 'gặt hái' một mùa kinh doanh tưng bừng hồi quý II...
Sau khi nối đuôi nhau leo đỉnh, dường như lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón đang có xu hướng chững lại trong quý III.
9 tháng 'thăng hoa' của ngành phân bón
Trong báo cáo mới công bố, CTCK KIS Việt Nam (KISVN) ước tính doanh thu quý III của 30 doanh nghiệp sản xuất phân bón niêm yết trên sàn đạt 28.491 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 4.188 tỷ đồng, tăng mạnh 123%.
Biên lợi nhuận gộp tăng 3,2 điểm phần trăm, lên đến 24% trong quý này; đồng thời, biên lợi nhuận ròng cũng cải thiện từ 9,7% lên 14,7%. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá bán nội địa giảm nhẹ và đóng góp cho xuất khẩu không nhiều, doanh thu quý III đã giảm 11,2% so với quý II; tương tự lợi nhuận sau thuế cũng giảm 24,7% so với quý liền kề.
Trong số 30 doanh nghiệp niêm yết trên sàn, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, HOSE:
DPM) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE:
DCM) tiếp tục thống trị ngành phân bón, chiếm khoảng 65% thị phần phân bón Ure trong nước, tính đến hết quý III.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, so với kế hoạch đặt ra cho năm 2022, ước tính nhóm doanh nghiệp trên đã hoàn thành khoảng 85-118% chỉ tiêu doanh thu, trong đó
DPM,
DCM,
DGC (Tập đoàn Hóa chất Đức Giang),
BFC (Công ty CP Phân bón Bình Điền),
DHB (Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc) đóng góp hơn 52% tổng doanh thu toàn ngành.
Bên cạnh đó, những "ông lớn" đầu ngành đều ghi nhận sự bùng nổ trong giai đoạn 9 tháng, tiêu biểu là
DPM với khoản lãi sau thuế hơn 4.460 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm gần 30%;
DCM cũng không kém cạnh khi báo lãi trên 3.270, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ, vượt kế hoạch cả năm đến 6,4 lần...
Qua quan sát số liệu thống kê của quý III, có thể thấy bổ trợ cho tăng trưởng đột biến về lợi nhuận giai đoạn 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ quý II trước đó. Sau khi nối đuôi nhau leo đỉnh, dường như lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón đang có xu hướng chững lại trong quý III.
Thực tế, quý vừa qua thị trường phân bón chứng kiến sự giảm sút cả về đóng góp xuất khẩu, lẫn giá bán nội địa. Cụ thể, xuất khẩu phân bón quý III đã giảm 25% so với quý II, đạt gần 421.000 tấn; cùng thời điểm, giá bán Ure/NPK giảm lần lượt 12% và 4% so với quý II, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, tổng giá trị xuất khẩu quý III của
DPM chỉ đạt 19 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều con số 957 tỷ đồng đạt được trong quý liền kề...
Theo đó, biên lợi nhuận gộp toàn ngành quý III đã giảm 2,7 điểm phần trăm so với quý II, bất chấp xu hướng giảm của nguyên liệu đầu vào và dẫn tới sự trượt dốc của biên lợi nhuận ròng cuối quý vừa qua, so với quý II trước đó.
Quý IV có đáng chờ đợi?
Từ góc độ lạc quan, nhóm phân tích KISVN kỳ vọng sản lượng tiêu thụ toàn ngành sẽ tăng mạnh trong quý IV/2022, nhờ nhu cầu nội địa tăng cao trong vụ Đông - Xuân tới. Giá bán phân bón Ure dự báo tăng cao và đạt đỉnh 16.500 - 17.000 đồng/kg trong tháng 11-12, trong khi tháng 10 chỉ rơi vào khoảng 15.000 - 15.800 đồng/kg.
Đây là nhân tố rất có lợi cho những "ông lớn" sản xuất Ure như
DPM và
DCM. Vì thế, KISVN ước tính doanh thu quý cuối năm của
DPM và
DCM sẽ tăng trưởng khoảng 10-20% so với quý III.
Trong khi đó, giá Phốt pho vàng (P4) cũng đang có diễn biến thuận lợi, kết thúc tháng 10 giá bán rơi vào khoảng 137 triệu đồng/tấn, cao hơn 12,2% so với mức giá bình quân quý III (122 triệu đồng/tấn). KISVN cho rằng mức giá này sẽ duy trì đến hết quý IV, giữa bối cảnh nhu cầu về thiết bị bán dẫn và pin điện còn khá lớn.
Từ đó, CTCK dự phóng doanh thu quý IV của
DGC - "ông lớn" đầu ngành hóa chất sẽ tăng khoảng 10-18% so với quý III. Có quan điểm tương đồng, CTCK BIDV (BSC) cũng nghĩ rằng mặt bằng giá bán quý IV duy trì cao so với cùng kỳ năm ngoái, dù tốc độ tăng trưởng đã giảm.
Trong đó, giá Ure nội địa được kỳ vọng phục hồi trong cuối năm nhờ nhu cầu phân bón cải thiện khi bước vào mùa vụ lớn nhất trong năm và giá gạo tăng kích thích người nông dân sử dụng phân bón. Thêm vào đó, giá Ure thế giới có dấu hiệu phục hồi do khủng hoảng khí đốt tại châu Âu và các đợt đấu thầu mới của Ấn Độ kỳ vọng thúc đẩy đà phục hồi giá urê trong nước.
Dự đoán cho cả năm sau, CTCK Bản Việt (VCSC) nhìn nhận giá Ure tiếp tục ở mức cao do giá khí đốt và giá than cao, trong khi đây là hai nguyên liệu đầu vào chính.
Từ đó, nguồn cung giảm khiến giá loại phân bón này tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài. Song đơn vị này vẫn nêu rủi ro giá Ure toàn cầu giảm nhanh hơn, cùng với việc giá dầu nhiên liệu và chi phí khí đầu vào trong nước cao hơn dự kiến.