Tuy chỉ là doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh, dân số không bằng 1/3 dân số hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhưng CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) lại đặt mục tiêu “phải đứng top đầu ngành cấp thoát nước, môi trường Việt Nam” trong năm 2022.
Vậy thực tế Biwase đang làm ăn ra sao và cơ sở nào để doanh nghiệp này đặt ra mục tiêu đầy tham vọng như vậy?
Tăng trưởng bất chấp đại dịch
Có lịch sử hình thành từ trước năm 1975 nhưng phải đến những năm 2014-2015 - trước thềm cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Nước Môi trường Bình Dương vào năm 2016 - hoạt động kinh doanh của Biwase mới thực sự khởi sắc.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021, doanh thu của công ty này tăng trưởng liên tục, trong đó khoảng một nửa là doanh thu từ sản xuất, phân phối nước.
Kể cả trong thời điểm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt giãn cách trong quý 3 (tháng 7-9/2021) khiến cho giá bán nước sạch giảm, nhu cầu tiêu thụ nước của các hộ gia đình và nước công nghiệp giảm (nhu cầu nước công nghiệp tại Bình Dương – trung tâm khu công nghiệp chính của miền Nam giảm 18% trong quý 3/2021), hoạt động kinh doanh của Biwase cũng chỉ bị sụt giảm trong thời gian ngắn.
Kết thúc năm 2021, công ty đạt tổng doanh thu 3.570 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2020 và hoàn thành kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 737 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với thực hiện năm trước và vượt 187 tỷ đồng so với kế hoạch (vượt 34%).
Đặc biệt, đối với rủi ro lớn nhất của một doanh nghiệp sản xuất và phân phối nước là tỷ lệ thất thoát nước cũng đã được Biwase kiểm soát tốt. Theo đó, năm 2021, tỷ lệ thất thoát nước của doanh nghiệp này chỉ 5%, thấp nhất từ trước đến nay, cũng là thấp nhất cả nước và thuộc top thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2021, mảng kinh doanh cốt lõi của Biwase là sản xuất nước đạt doanh thu 2.074 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020. Sản lượng nước sản xuất đạt 185.758.036 m3, tăng 6%.
Lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý rác cũng mang về doanh thu 835 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020. Lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải ghi nhận tổng giá trị thực hiện trong kỳ đạt 115 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản Biwase đạt hơn 8.887 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, trái phiếu. Tuy nợ vay đến cuối năm 2021 của Biwase tăng gần 216 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 5.086 tỷ đồng nhưng nợ ngắn hạn lại giảm hơn 70 tỷ đồng, còn 1.953 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn hơn 3.133 tỷ đồng và phần lớn là các khoản vay ưu đãi từ World Bank, VDB, Ngân hàng phát triển châu Á….
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) năm 2021 của
BWE đạt 23%, tăng hơn 17% so với năm 2020 và tỷ lệ này khá cao so với tỷ suất lợi nhuận nhà nước quy định khi xây dựng phương án giá nước là 5%.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2021 cũng đạt 19,4%, tăng hơn 3% so với năm 2020 và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) năm 2021 của
BWE là 8,3%, tăng gần 2% so với năm 2020 do tăng trưởng mạnh của lợi nhuận sau thuế năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3, cổ phiếu
BWE ở mức 49.250 đồng/cổ phiếu, giảm 0,51% so với phiên 21/3 nhưng đã tăng gần 13,5% kể từ đầu năm 2022. Giá trị vốn hóa thị trường của
BWE tính đến 22/3 đạt hơn 9.500 tỷ đồng, là doanh nghiệp nước có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán.
Thị giá và vốn hóa thị trường của BWE so với một số doanh nghiệp cùng ngành – dữ liệu ngày 22/3 - Nguồn: Vietstock
Đón đầu cơ hội từ những dự án tỷ đô
Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (dự kiến diễn ra ngày 31/3 tới), Biwase cho biết, hiện công ty đang sở hữu 18 chi nhánh trực thuộc, bao gồm: 1 chi nhánh xử lý chất thải; 4 chi nhánh xử lý chất thải; 1 chi nhánh cấp thoát nước; 1 chi nhánh dịch vụ đô thị và đặc biệt là 9 nhà máy nước mặt với tổng công suất tối thiểu 760.000m3/ngày đêm và tối đa 997. 000m3/ngày đêm, mạng lưới bao phủ toàn bộ tỉnh Bình Dương, một phần TP.HCM và Bình Phước.
Đây cũng là những địa phương đang thu hút mạnh dòng vốn FDI của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, Bình Dương là một trong những tỉnh thành công nghiệp lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 5 tỉnh hàng đầu của Việt Nam về thu hút vốn FDI đăng ký mới trong 5 năm qua. Ngay cả khi chịu tác động tiêu cực từ COVID-19, vốn FDI đăng ký vào Bình Dương vẫn đạt 2 tỷ USD trong năm 2021 (tăng 13% so với năm 2020).
Bước sang năm 2022, Bình Dương cũng là một trong những địa phương đầu tiên chứng kiến sự khởi động của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Theo đó, ngày 19/3 vừa qua, dự án khu công nghiệp (KCN) Việt Nam-Singapore III (VSIP III) có diện tích 1.000 ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng vừa được khởi công xây dựng tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương.
Cùng ngày, tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn LEGO để xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP III.
FDI đăng ký mới ở Bình Dương (triệu USD) - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCSC
Là doanh nghiệp có 3 mảng hoạt động chính gồm sản xuất nước, vệ sinh môi trường và thu gom xử lý nước thải tại Bình Dương, Biwase được kỳ vọng sẽ ít nhiều được hưởng lợi từ các dự án tỷ đô này.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022, Biwase cũng nhận định nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tình hình kinh tế tại Bình Dương sẽ hồi phục tốt và có khả năng phát triển nhanh vào năm 2022 thông qua việc thu hút vốn đầu tư của các dự án với quy mô lớn như dự án VSIP III, dự án LEGO. Qua đó sẽ tạo ra cơ hội cho Biwase trong việc phát triển dịch vụ của mình.
Trên cơ sở đó, Biwase đặt ra mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 tăng trưởng tối thiểu 10% so với thực hiện năm 2021, tương ứng tối thiểu 3.850 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức tối thiểu 750 tỷ đồng, tương đương với thực hiện năm 2021. Tỷ lệ thất thoát nước tương đương hoặc ít hơn năm 2021 (tỷ lệ 5%). Sản lượng nước thương phẩm tối thiểu đạt 180.000.000 m3. Tỷ lệ cổ tức mong đợi tối thiểu 13%, đây là mức cao hơn so với năm 2021 (12%).
Để đặt được mục tiêu trên, trong lĩnh vực cấp nước, Biwase dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mạng lưới ống phân phối, phát triển công tác đấu nối khách hàng nhằm cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng, sản xuất ngày càng nhiều hơn và để phát huy tối đa công suất của các công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Với lĩnh vực xử lý chất thải, Biwase cho biết sẽ tăng cường thu gom và xử lý hết lượng rác tiếp nhận ngày càng tăng cao của nhà máy xử lý chất thải cũng như phát huy hết công suất dây chuyền xử lý rác thành phân hữu cơ và lò đốt rác đã đưa vào vận hành.
Với lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải, công ty này dự kiến tiếp tục hoàn thiện và trình duyệt phương án đơn giá dịch vụ thoát nước thải sinh hoạt để có thể áp dụng đơn giá mới. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường công tác đấu nối khách hàng và hoàn thiện cơ chế thu gom nước thải đối với khách hàng công nghiệp.
Đánh giá về định hướng hoạt động của Biwase, trong báo cáo hồi tháng 2, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, Biwase là một công ty đang tăng trưởng với doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng liên tục trong 6 năm qua khi nhu cầu nước sạch và xử lý rác thải cho các KCN tại Bình Dương ngày càng gia tăng. Biên lợi nhuận gộp liên tục cải thiện trong 5 năm qua lên mức 40,9% cho 2020 và 42,2% cho 2021.
“Động lực tăng trưởng trong 2022 của
BWE là hệ thống nước Nam Thủ Dầu 1 và lò đốt rác Nam Bình Dương (vận hành 2021). Ngoài ra, giá bán nước sạch tại Bình Dương cũng tăng 5% từ tháng 1/2022 giúp gia tăng biên lợi nhuận. Trong trung hạn, tăng trưởng
BWE được hỗ trợ bởi các dự án nhà máy nước Tân Hiệp (2022), nhà máy sản xuất phân compost (2022).
BWE định hướng sẽ mở rộng mảng xử lý nước thải cho các KCN, hiện chỉ chiếm 4% doanh thu. Với sự phát triển mạnh mẽ các KCN ở Bình Dương, chúng tôi đánh giá chiến lược của
BWE là rất khả thi”, báo cáo của Yuanta Việt Nam nêu.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, khoản đầu tư lớn của LEGO vào tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ nhu cầu nước trong dài hạn. LEGO đã đặt mục tiêu đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại KCN VSIP 3 và sẽ động thổ vào năm 2022, đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2024. Do đó, Biwase sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu nước sinh hoạt cao hơn khi công nhân mới di chuyển đến tỉnh Bình Dương để làm việc cho LEGO.
Ngoài ra, VCSC nhận định, Chính phủ đang thúc đẩy để dự án sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2026, dẫn đến tiềm năng nhu cầu nước sạch tăng mạnh tại tỉnh Đồng Nai. Biwase có vị thế tốt để tận dụng đà tăng của nhu cầu nước sạch thông qua cổ phần tại CTCP Nước Đồng Nai (DNW) - công suất 500.000m3/ngày đêm).
Biwase cũng đã thông báo rằng công ty đang trong quá trình xin giấy phép cho dự án nước đường cao tốc Long Thành (công suất 60.000m3/ngày đêm trong 15-20 năm tới, vốn đầu tư là 5.200 tỷ đồng) và dự kiến sở hữu 30%-35% cổ phần trong dự án này.
VCSC tin rằng nhu cầu nước sẽ phục hồi vào năm 2022 và dự báo sản lượng nước thương phẩm của Biwase sẽ tăng 12% so với năm 2021. Sự tăng trưởng về sản lượng này sẽ giúp Biwase ghi nhận EPS cốt lõi tăng trưởng mạnh, khoảng 18% so với năm ngoái.