Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) còn khó khăn thì việc cân đối ngân sách thực sự là một bài toán khó, để vừa đảm bảo nguồn thu, vừa nuôi dưỡng sức phục hồi cho doanh nghiệp, chấp nhận hụt thu để phục hồi nền kinh tế.
Ông Hoàng Đình Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển dự án toàn cầu nhà ở Minh Tiên (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: Để nộp thuế cho Nhà nước, doanh nghiệp cần “khỏe mạnh”. “Doanh nghiệp mong Chính phủ, Bộ Tài chính tạo điều kiện giãn đóng thuế, giảm tiền điện nước…để có chi phí, nguồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh như thời điểm trước dịch COVID-19. Có nguồn thu, doanh nghiệp sẽ đóng góp đầy đủ các khoản thuế”, ông Hoàng Đình Viên khẳng định.
Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục dần hoạt động sản xuất nhưng cần thời gian để đảm bảo các nguồn thu thuế. Theo tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh, nguồn thu ngân sách chính của thành phố đến từ hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, bất động sản nên các lĩnh vực này cần được mở lại an toàn.
“Các cơ quan chức năng cần làm ‘bà đỡ’ bằng cách hỗ trợ ưu đãi thuế, vốn để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi... từ đó, guồng máy kinh tế vận hành hiệu quả. Qua đó, ngân sách thành phố sẽ có nguồn thu ổn định, bền vững hơn”, tiến sĩ Trần Quang Thắng nhận định.
Hiện, TP Hồ Chí Minh có nguồn thu khá lớn từ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (Horea), các dự án bất động sản của TP Hồ Chí Minh vướng nhiều thủ tục pháp lý, hành chính. Các doanh nghiệp mong mỏi được đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận nhà đất; gỡ khó cho các dự án nhà ở thương mại đang bị tồn đọng.
Đề cập về những “rào cản” trong kinh doanh cần được tháo gỡ, GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều trong giảm thiểu thủ tục hành chính. “Tuy nhiên, vẫn có những thủ tục, dù nói cắt giảm nhưng mỗi khi có luật mới, nghị định mới được ban hành lại có thủ tục mới và bao giờ cũng phức tạp hơn thủ tục cũ”, ông Nguyễn Mại nêu. Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội.
Theo Bộ Tài chính, nguồn thu NSNN tính đến hết ngày 3/4 đạt 484.900 tỷ đồng, bằng 34,35% dự toán; trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 34,15% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 34,58% dự toán. Tuy nhiên, quý I/2022, nguồn thu NSNN tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi cân đối NSNN tính đến ngày 3/4 đạt 351.300 tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tình hình COVID-19 tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng tốt, các doanh nghiệp đã có sự tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian từ 3 - 9 tháng. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho người kinh doanh. Từ đầu năm 2022, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một loạt nhóm hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất 10%; giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần gỡ khó cho ngành hàng không…
Đặc biệt, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng. “Chúng tôi kỳ vọng trên cơ sở tăng trưởng của quý 1/2022 là 5,03% và dự kiến có thể ở mức cao hơn trong các quý tiếp theo, cùng với đó, nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, dự kiến thu NSNN năm nay có thể đạt hoặc vượt so với kế hoạch”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết. Dự toán thu NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP; từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.
Chống thất thu thương mại điện tử
Để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách trong điều kiện giảm thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhiều chuyên gia tài chính đề xuất: Cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục thuế; nâng cao hiệu quả ứng dụng quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra thuế để chống thất thu thuế hiệu quả; mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở khai thác triệt để các nguồn thu tiềm năng từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ... để vừa tăng thu cho NSNN, vừa đảm bảo công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Giải pháp nữa được đưa ra là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo hướng vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, vừa kiên quyết cưỡng chế những người nộp thuế cố tình chây ỳ, nợ thuế dây dưa.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các năm qua, ngành thuế đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook (nộp 1.694 tỷ đồng), Google (1.618 tỷ đồng), Microsoft (576 tỷ đồng). Năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020. Con số này rất khiêm tốn so với doanh thu thực tế ở Việt Nam.
Báo cáo của Google, Temasek cho hay: Thị trường TMĐT Việt Nam rất nhiều tiềm năng, tăng 16% và đạt doanh thu 14 tỷ USD trong năm 2021. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô TMĐT Việt Nam đạt 52 tỷ USD.
Việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT không đơn giản. Chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp (Tổng cục Thuế) thừa nhận.
Vì vậy, nhiều chuyên gia tài chính đề nghị: Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ. Cụ thể, có thể thành lập trung tâm phòng chống trốnlậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế đối với TMĐT; đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý đối với TMĐT. Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.
PGS TS Lê Xuân Trường (Học Viện Tài chính): Cần gắn tiết kiệm chi với nâng cao hiệu quả chi NSNN
Trong lúc “bầu” ngân sách còn hạn chế, việc tiết kiệm chi NSNN là yêu cầu thiết yếu. Tiết kiệm chi không có nghĩa là giảm chi tràn lan. Cần gắn tiết kiệm chi NSNN với nâng cao hiệu quả chi NSNN; rà soát để cắt giảm các khoản chi, đặc biệt chi hành chính không thực sự cần thiết, giảm chi hội nghị, hội họp không cần thiết... Cần rà soát kỹ các đề án chi đầu tư phát triển, tránh lãng phí đầu tư công cả ở phương diện xác định danh mục đầu tư và dự toán đầu tư; đồng thời, cần tăng cường kỷ luật tài chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý chi tiêu công, chống tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu NSNN; tăng cường khoán chi hành chính ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công.
Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống hỗ trợ kê khai thuế điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài. Ngoài ra cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế.
Đối với tình trạng thất thu thuế bất động sản, trước mắt cần tăng cường thu thập hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin để có cơ sở ấn định thuế đối với các trường hợp kê khai sai trị giá giao dịch. Về lâu dài, cần nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Luật đất đai để có cơ sở ấn định giá sát với giá thị trường.
Tiết kiệm chi NSNN là yêu cầu thiết yếu trong mọi điều kiện, trong bối cảnh dịch bệnh thì càng trở nên quan trọng. Tuy vậy, tiết kiệm chi cũng cần phải hiểu cho đúng. Tiết kiệm chi không có nghĩa là giảm chi tràn lan. Theo đó, cần gắn tiết kiệm chi NSNN với nâng cao hiệu quả chi NSNN. Cần rà soát để cắt giảm các khoản chi, đặc biệt là chi hành chính không thực sự cần thiết, giảm chi hội nghị, hội họp không cần thiết... Cần rà soát kỹ các đề án chi đầu tư phát triển, tránh lãng phí đầu tư công cả ở phương diện xác định danh mục đầu tư và dự toán đầu tư. Đồng thời, cần tăng cường kỷ luật tài chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý chi tiêu công, chống tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Tăng cường khoán chi hành chính ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công cũng là một giải pháp quan trọng để vừa tiết kiệm chi NSNN, vừa nâng cao hiệu quả chi NSNN.
-TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng: Lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để phát triển nguồn thu
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng việc triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và có chính sách đặc thù, có trọng điểm, tránh tràn lan, dẫn vốn vào các lĩnh vực cấp bách… từ đó, tạo sức bật cho doanh nghiệp phục hồi.
Để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, Chính phủ cần có nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ vốn có sức chịu đứng yếu. Các doanh nghiệp này cần được Nhà nước hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà thông qua các chính sách, từ việc cấp giấy phép nhanh chóng, tháo gỡ khó khăn từ cấp chính quyền Trung ương tới địa phương để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất phát triển.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu mặc dù có tín hiệu khởi sắc nhưng dự báo thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng. Để tăng nguồn thu ngân sách từ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ ngành cần cải thiện bất cập trên.