Giá vàng hôm nay trên thị trường thế giới tiếp tục giảm do đồng USD lên cao, giá dầu tụt giảm và quan chức Fed cho rằng nên tăng lãi suất lên cao hơn nữa.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/8, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,85 - 66,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 31/8:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,85 - 66,55 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,75 - 66,55 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,75 - 66,55 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,90 - 66,70 triệu đồng/lượng.
Nguồn ảnh: Internet
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,76 - 66,50 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,28 - 52,03 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 50,80 - 51,90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Đêm 31/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.721 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.724 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 31/8 thấp hơn khoảng 5,5% (100 USD/ounce) so với đầu năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 49,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 17,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 31/8.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm do đồng USD lên cao, giá dầu tụt giảm và quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng nên tăng lãi suất lên cao hơn nữa.
Vàng giảm giá chủ yếu do đồng USD tiếp tục leo cao và đồng Euro sụt giảm xuống dưới ngưỡng 1 euro đổi 1 USD. Đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp của đồng Euro khi mà khu vực này trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng keo dài.
Trong ngày 31/8, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt từ đường ống Nord Stream 1, làm gia tăng cuộc chiến kinh tế giữa Moscow và châu Âu, đồng thời làm tăng triển vọng suy thoái ở nhiều nước trong khu vực.
Đồng Euro tiếp tục giảm và đã xuống ngưỡng 1 Euro chỉ còn đổi được 0,99965 USD. Trong khi đó, ngày càng nhiều quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi tăng mạnh lãi suất để chống lại lạm phát gia tăng, vốn có thể vượt quá 10% trong những tháng tới.
Vàng giảm giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tụt giảm và lợi tức trái phiếu Mỹ lên cao.
Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak thuộc chuyên trang tài chính DailyFX cho biết: "Fed không có ý định nới lỏng chính sách đáng kể trong thời gian tới. Trọng tâm của Fed là lạm phát và những gì cơ quan này muốn làm thậm chí có thể tạo ra một số rủi ro hai chiều xung quanh các chính sách kỳ vọng mà họ sẽ đưa ra ít rõ ràng hơn".
Chuyên gia này cho biết thêm, điều này góp phần làm suy yếu vàng và đồng USD mạnh lên.
Giám đốc Fed chi nhánh New York John Williams ngày 30/8 tiết lộ, Fed có thể sẽ cần nâng lãi suất chính sách cao hơn mức 3,5% và duy trì lãi suất này đến hết năm 2023.
Mặc dù vàng được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát, song việc lãi suất tăng vẫn là một "cơn gió ngược" tiềm năng, có thể làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, trong khi thúc đẩy đồng USD mạnh lên.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS dự đoán, giá vàng sẽ giảm xuống 1.600 USD vào cuối năm khi quyết tâm giảm lạm phát thông qua chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ kéo tỷ giá thực của Mỹ cao hơn và đồng USD mạnh hơn.
Lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều nơi trên thế giới, buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.