Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) ở trong nước chưa được cải thiện do phạm vi hoạt động thu hẹp, nguồn vốn cho lĩnh vực này gặp khó khăn do không còn Quỹ tìm kiếm, thăm dò. Là chuyên ngành có lợi thế tích cực bởi giá dầu tăng trong thời gian vừa qua, nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng các thiết bị dầu khí do xung đột địa chính trị dẫn đến khó khăn trong triển khai đầu tư tại một số dự án.
Theo báo cáo của PVN: Trước các biến động kinh tế thế giới, có đến 4/5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn bị ảnh hưởng và chỉ duy nhất 1 lĩnh vực E&P là có lợi thế tích cực bởi giá dầu tăng trong thời gian vừa qua, nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng các thiết bị dầu khí do xung đột địa chính trị dẫn đến khó khăn trong triển khai đầu tư tại một số dự án thuộc lĩnh vực này.
Ngoài những khó khăn nêu trên, năm 2022, PVN tiếp tục đối diện với những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Xu hướng chuyển dịch năng lượng và năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển nhanh đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển mỏ khí; các mỏ dầu khí lớn ở khu vực truyền thống đã qua thời kỳ khai thác ổn định đang trên đà suy giảm sản lượng tự nhiên. Mặt khác, các lô/mỏ nhận lại từ nhà thầu nước ngoài chưa có cơ chế vận hành; việc đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng ở trong nước gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư, cùng với việc tìm kiếm, triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tốt ở nước ngoài cạnh tranh khốc liệt.
Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng trong năm 2022, PVN đã đưa 5 mỏ/công trình dầu khí mới vào khai thác, nhiều hơn 1 mỏ công trình so với kế hoạch năm, nhiều hơn 2 mỏ/công trình so với năm 2021 (năm 2021 đưa 3 mỏ/công trình vào khai thác).
Trong khi sản lượng dầu khí suy giảm cùng với đà suy giảm của mỏ, nhưng sản lượng khai thác năm 2022 của PVN đã đạt 18,92 triệu tấn quy dầu, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 82,2 nghìn tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, PVN sẽ rà soát, xem xét khả năng gia tăng trữ lượng từ các giếng khoan phát triển khai thác, nhằm đảm bảo mục tiêu gia tăng trữ lượng từ 8 - 16 triệu tấn quy dầu.
Theo đó, PVN sẽ tập trung tìm kiếm các dự án ở trong nước, trong đó triển khai công tác tìm kiếm ở chính các dự án hiện có, các lô mở ở Việt Nam, các cơ hội nhận chuyển nhượng các dự án có tiềm năng/phát hiện dầu khí, cơ hội thực hiện quyền ưu tiên mua trước trong các hợp đồng dầu khí.
Mặt khác, PVN sẽ gia hạn/ký mới các PSC của các lô sắp hết hạn hợp đồng. Thực hiện các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu, nhằm đạt sản lượng khai thác năm 2023 theo đúng kế hoạch đề ra. Rà soát tối ưu triển khai các dự án phát triển mỏ, đảm bảo tiến độ đưa 3 công trình vào khai thác trong năm 2023 gồm: Giàn RC-8 (tháng 8/2023), BK-4A, BK-22 (quý 4/2023). Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ của các dự án trọng điểm như: Mỏ Đại Hùng pha 3 Lô 05-1(a), Sư Tử Trắng pha 2B Lô 15-1, KNT-KTN Lô 09-2/09, Lô 433a và 416b Algeria (BRS pha 2 và MOM), cũng như thúc đẩy phát triển mỏ tại 2 dự án khí trọng điểm Lô B&48/95, Lô 52/97 và Lô 117-119./.