Đánh giá về tiến trình cổ phần hóa thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn tiếp tục hoàn thiện theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch và chặt chẽ hơn. Qua đó, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Quá trình cơ cấu lại DNNN còn nhiều hạn chế
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN giai đoạn 2021-2023 diễn ra chậm, số lượng không nhiều, tồn tại một số trường hợp phát sinh tiêu cực trong định giá liên quan đến đất đai, tài sản. Vấn đề hậu cổ phần hóa chưa được giải quyết dứt điểm; Quản lý vốn tại một số DN còn khó khăn...
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia đánh giá, quá trình cơ cấu lại DNNN còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cả về lượng và chất. Cụ thể, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN chậm; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của Nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn...
Công tác quản lý vốn tại các DN có phần vốn nhà nước không chi phối khó khăn, đặc biệt là tại các DN kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác. Đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều lần trong các kỳ họp Quốc hội nhưng chưa có hướng xử lý cụ thể. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa thời gian qua có không ít sai phạm cả về kinh tế, đất đai, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước…
Về nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, có vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật; đồng thời, chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động của các DNNN chưa rõ ràng, chưa tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư; cùng với đó là những lúng túng trong các vấn đề pháp lý về đất đai, về quyền sở hữu tài sản vô hình, các báo cáo về tài chính…
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm do nguyên nhân khách quan xuất phát từ những bất ổn lớn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế; ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi; đặc thù của các DN thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này là các DN lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị...
Nguyên nhân chủ quan theo Bộ Tài chính đánh giá là do nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; Việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2021-2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều DN chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật...
Tăng cường công khai, minh bạch thông tin của DNNN
Nêu ra hạn chế và giải pháp đối với công tác cổ phần hóa, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho hay, hệ thống pháp luật liên quan đến cổ phần hóa có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, từ Luật DN cho đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đất đai, Luật Đấu giá… cũng có sự chồng chéo. Đồng thời, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cùng một hệ thống pháp luật nhưng có những trường hợp thực kết quả tốt, có trường hợp kết quả không được như mong đợi.
“Vì vậy, khi đánh giá hệ thống pháp luật, cần phải cân nhắc và tránh đổ lỗi cho hệ thống pháp luật; ngược lại, cũng không nên cho rằng hệ thống pháp luật không có lỗi gì mà chỉ là do việc thực hiện pháp luật chưa tốt”, ông Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện, để tiếp tục đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, cần bám sát mục tiêu cổ phần hóa đã đề ra. Cùng với đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần phải thay đổi cách làm. Cụ thể, về phía DNNN, cần nâng cấp chất lượng hoạt động, chất lượng thông tin, làm rõ về mặt pháp lý đối với mọi tài sản, không chỉ có đất đai để khi đưa vào danh sách thoái vốn sẽ rút ngắn quá trình, phải áp dụng chung với các DNNN.
Bên cạnh đó, Nhà nước không chỉ tính đến việc bán vốn mà phải đặt cả vấn đề là sẽ rút ra khỏi hoạt động kinh doanh này, khi đó cách nào ít bất lợi nhất thì mạnh dạn làm, thậm chí giải thể, phá sản, sáp nhập… Việc bán vốn không áp đặt ý chí chủ quan, không bán theo cách hành chính mà phải theo nhu cầu thị trường, tiếp cận nhà đầu tư...
Ngoài ra, các chuyên gia còn lưu ý cần có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế; phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN. Trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ Tài chính liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định; Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu...