Tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Macau là rất tốt. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Macau liên tục tăng ở con số ấn tượng.
Lễ khai mạc Hội chợ Thương mại và Đầu tư quốc tế Macau. Ảnh: Mạc Luyện - pv TTXVN tại Hong Kong
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), ngày 19/10, Hội chợ Thương mại và Đầu tư quốc tế (MIF) lần thứ 28 do Viện Xúc tiến đầu tư và thương mại Macau (IPIM) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị-Triển lãm Venetian thuộc Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc).
Đây là sự kiện xúc tiến thương mại-đầu tư quốc tế đầu tiên ở Macau sau thời kỳ dịch bệnh có sự tham gia của đoàn Việt Nam, đánh dấu việc bình thường hóa các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại của cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Macau. Hội chợ diễn ra từ ngày 19-22/10.
Theo bà Vũ Thị Thúy, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong kiêm nhiệm Macau, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Macau là rất tốt. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Macau liên tục tăng ở con số ấn tượng. Người Macau rất thích các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, hoa quả và hàng tiêu dùng.
Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Thương mại và đầu tư quốc tế ở Macau. Ảnh: Mạc Luyện - pv TTXVN tại Hong Kong
Bà Vũ Thị Thúy hy vọng trong thời gian tới, kim ngạch thương mại giữa hai bên tiếp tục tăng lên, có sự trao đổi sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực, ngoài lĩnh vực thương mại, hy vọng phía Macau tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam, không chỉ trên lĩnh vực bất động sản mà còn cả trong lĩnh vực trò chơi, văn hóa và ẩm thực... Hội chợ này là một cơ hội tốt để Việt Nam giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè Macau và quốc tế.
Theo thống kê, tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Macau từ tháng 1-8/2023 đạt 250,3 triệu USD, tăng 330% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Macau đạt 239 triệu USD, tăng 379,5%; Việt Nam nhập khẩu từ Macau đạt 11,2 triệu USD, tăng 34,5%. Về đầu tư, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2023, Macau đã góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam với tổng mức 27,9 triệu USD. Lũy kế từ năm 1988 đến nay, Macau đã có 18 dự án FDI tại Việt Nam với tổng mức 193,5 triệu USD.
Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Thương mại và đầu tư quốc tế ở Macau. Ảnh: Mạc Luyện - pv TTXVN tại Hong Kong
Là sự kiện kinh tế và thương mại quốc tế có ảnh hưởng nhất trong năm của Macau, MIF đã tích cực xây dựng nền tảng hợp tác và giao lưu kinh doanh cho các nhà tham gia triển lãm, thương nhân trong nhiều năm qua. Thông qua một loạt các hoạt động như triển lãm, hội nghị và diễn đàn, các buổi kết nối kinh doanh theo chủ đề..., MIF đã tạo điều kiện kết nối với các nguồn lực quốc tế và khám phá các cơ hội kinh doanh cho tất cả các bên tham gia.
Do MIF hội tụ rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, nên đây cũng là một kênh để doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng như tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường..
MIF bắt đầu được tổ chức vào năm 1996 tại Macau, hiện nay đã trở thành một trụ cột quan trọng thúc đẩy tiến trình đa nguyên hóa về kinh tế của Đặc khu này.
Ngoài ra, Hội chợ triển lãm kinh tế và thương mại các nước nói tiếng Trung Quốc-Bồ Đào Nha (Macau) lần thứ nhất sẽ diễn ra song song tại Macau, bên cạnh Hội chợ nhượng quyền thương mại Macau (MFE), Triển lãm sản phẩm và dịch vụ của các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (PLPEX). Ngoài các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha, 4 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philipines cũng đã cử đoàn tham dự MIF lần thứ 28 năm nay.
Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Thương mại và đầu tư quốc tế ở Macau. Ảnh: Mạc Luyện - pv TTXVN tại Hong Kong
MIF có tổng diện tích 37.000 m2 với khoảng 1.200 công ty và tổ chức tham gia, trong đó có khoảng 430 đơn vị triển lãm Macau và khoảng 770 đơn vị đến từ 14 quốc gia và khu vực, bao gồm Trung Quốc đại lục, 9 quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha, Thái Lan, Nhật Bản... với các ngành bao gồm y tế, công nghệ cao mới, tài chính hiện đại, sáng tạo văn hóa, du lịch, thương mại và bán lẻ, sản xuất thực phẩm, thương mại điện tử xuyên biên giới, năng lượng bảo tồn và bảo vệ môi trường.../.
Mạc Luyện - Thạch Bình