Chân Mây từ một vùng đất xa xôi ít người biết tới của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, bỗng khởi sắc khi ngày 19/5/2003, cách đây đúng 20 năm bến số 01 Cảng Chân Mây đưa vào hoạt động. Và 20 năm qua, vùng biển vắng khi xưa đã nổi sóng khi từng con tàu du lịch quốc tế, tàu hàng thi nhau cập cảng và bây giờ là những tuyến tàu Container trong nước và quốc tế được khai trương. Chân Mây- con đường kinh tế biển, đường lớn đã mở!
Chân Mây nhìn từ trên cao, biển sâu tự nhiên, rất kín gió.
Dấu ấn khi Cảng Chân Mây đưa vào khai thác năm 2003, nhiều người nói là lịch sử thì 20 năm sau, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi dấu ấn mới khi thông qua Nghị quyết quan trọng “Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây”, áp dụng đến cuối năm 2023. Nghị quyết đã mở toang con đường phát triển vận tải biển, bắt đầu từ Cảng Chân Mây.
Bà Nguyễn Thị Ái Vân, PCT HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (mặc áo trắng) cùng lãnh đạo các sở ngành tỉnh Thừa Thiên Huế tại Cảng Chân Mây.
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Nghị quyết này ra đờilà sự trăn trở lớn của địa phương, nhằm mục đích thu hút những hãng tàu biển, đại lý hãng tàu kinh doanh vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây. Đồng thời thu hút các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi, đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh). Để có chính sách hỗ trợ này, địa phương căn cứ lợi thế gần khu vực Trung Hạ Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan; đồng thời khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị hiện chưa có tuyến vận tải container. Trong khi đó, hoạt động triển khai các dự án các khu công nghiệp ở những địa phương này đang diễn ra sôi nổi.
Theo tính toán, sau khi áp dụng chính sách hỗ trợ tàu container, riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng sản xuất men frit dự kiến có khoảng 25% lượng hàng đi, đến cảng Chân Mây, tương đương khoảng 4.500 Teus/năm (loại container 20 feet); Hàng sản xuất ngành sợi dự kiến có khoảng 12,5% lượng hàng đi, đến cảng, tương đương khoảng 2.250 Teus/năm (loại container 40 feet); Hàng sản xuất ngành may mặc dự kiến có khoảng 5% lượng hàng đi, đến cảng, tương đương khoảng 950 Teus/năm (loại container 40 feet); Hàng sản xuất, lắp ráp ngành cơ khí dự kiến có khoảng 50% lượng hàng đi, đến cảng, tương đương khoảng 900 Teus/năm (loại container 20 feet)…
Lễ khai trương tuyến container đầu tiên
Ngoài ra năm 2023 nhiều dự án dự kiến sẽ đưa vào hoạt động làm gia tăng khối lượng vận chuyển qua Cảng Chân Mây. Như dự án Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây của Công ty TNHH America Quazts Technology; Dự án Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế lắp ráp các loại xe ô tô khách (Bus) từ 30 đến 45 chỗ ngồi và xe trung chuyển khách 16 chỗ ngồi ...
Khi chính sách hỗ trợ tàu, hàng container ban hành, nhiều người tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của nó, họ cho rằng sẽ không có tàu, hàng nào đến vì có nhiều cảng biển gần đó lâu đời hơn.
Sự thật chứng minh sức hút của Cảng Chân Mây và chính sách đưa ra là đúng đắn khi đầu tháng 9/2022 tàu container quốc tế Deltic Dolphin của hãng tàu Voyager Logistics SDN BHD (Malaysia) đầu tiên cập Cảng Chân Mây. Tàu đã tổ chức xếp dỡ và vận chuyển 120 SOC container hàng hóa tuyến Sibu (Malaysia)- Chân Mây (Việt Nam)– Pontianak (Indonesia).
Chưa dừng lại đó, cuối năm 2022 (ngày 25/12), Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An có trụ sở tại Hải Phòng đã tổ chức khai trương tuyến container đầu tiên tại Cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, với bình quân 02 đến 03 tàu container/tuần xuất nhập cảng. Qua đó, đánh dấu việc mở ra dịch vụ vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế.
Tàu container Hải An bốc hàng tại Cảng Chân Mây
Mở trang "Kế hoạch khai thác tàu” của Cảng Chân Mây 03 tháng đầu năm 2023 đón gần 160 tàu hàng, riêng tháng 03 có đến 67 chuyến tàu cập cảng, trong đó 11 chuyến tàu container, 16 chuyến tàu quốc tế xuất, nhập hàng. Nếu so với các cảng quốc tế khác thì chưa bằng nhưng với Cảng Chân Mây thì đó là những con số đáng mừng ở một cảng biển miền Trung.
Như vậy, Cảng Chân Mây từ một cảng biển du lịch, được Hiệp hội Du thuyền Quốc tế khu vực châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng dừng chân ở khu vực Đông Nam Á và nằm giữa tuyến hàng hải kết nối Singapore và Hongkong (Trung Quốc) đã phát triển, mở rộng đón thêm các tàu hàng trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT; tàu khách dài đến 362m và 225, 282 GRT (tổng dung tích) có thể chở trên 6.200 hành khách và bây giờ là tàu hàng container có sức chứa đến 4.000 Teu.
Ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhìn Cảng Chân Mây bây giờ đã khác xưa, tôi tin lời ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container vào cảng Chân Mây" tháng 10/2022, ông nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thời gian qua, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển vượt bật trong thời gian tới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Chân Mây sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, việc mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế".