Vừa qua, Sở Xây dựng Hưng Yên đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý I/2023.
Dự báo trong thời gian tới nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ tăng mạnh (Ảnh minh họa: M.H).
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, thời gian qua là giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản, các chính sách mới ban hành chưa tháo gỡ trọn vẹn những bất cập hiện hữu. Nhiều chính sách mới về tín dụng có chiều hướng tích cực cũng được thông qua.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tín dụng đối với một số ngân hàng…thị trường bất động sản của tỉnh hứa hẹn sẽ lành mạnh và ấm dần lên.
Dự báo những năm tiếp theo trong giai đoạn 2021-2030 nhu cầu về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ được tăng mạnh, đặc biệt là nhà ở xã hội.
Báo cáo mới nhất cho thấy trên địa bàn toàn tỉnh có 70 dự án; thời điểm quý I có 02 dự án nhà ở thương mại triển khai xây dựng và có sản phẩm gồm: Dự án Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) và dự án Khu đô thị sinh thái Dream City, với tổng số căn hộ đang xây dựng và hoàn thành là 7.583 căn.
Tính đến hết quý I, có 02 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, gồm: 01 dự án nhà ở thương mại là dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở cao cấp - Lavida Green với quy mô 4,56ha và 01 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Yên Mỹ II với diện tích gần 31ha.
Tuy nhiên, có 05 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư. Nổi bật có thể kể đến các dự án: Đầu tư xây dựng Công viên trung tâm và khu đô thị mới Đông Khoái Châu với 34,07ha; Đầu tư xây dựng khu nhà ở tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ với 9,66ha; Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thị trấn Văn Giang với 3,59ha…
Tổng lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ là 3.154 căn với tổng giá trị giao dịch khoảng 34 nghìn tỷ đồng (như nhà ở riêng lẻ tại Dự án Khu đô thị sinh thái Dream City có giá 130,049 triệu đồng/m2). Bên cạnh đó, tổng số bất động sản tồn kho là 6.410 căn (trong đó: Chung cư 830 căn; nhà riêng lẻ 5.580 căn).
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: thời gian qua công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương còn khó khăn, chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tuy nhiên hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư; thủ tục hành chính, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp, kéo dài mất nhiều thời gian.
Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết thêm đề xuất của địa phương theo hướng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế riêng cho phát triển nhà ở công nhân. Các nhà đầu tư sẽ được áp dụng và thực hiện mức tối đa cơ chế hỗ trợ, ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội theo quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương (về đất đai, miễn giảm thuế, vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng…).
Chủ đầu tư dự án được miễn toàn bộ chi phí các thủ tục về đầu tư xây dựng như: thẩm định quy hoạch xây dựng, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế dự toán, cấp giấy phép xây dựng...
Tỉnh cũng đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho doanh nghiệp sử dụng lao động thuê, mua nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho người lao động. Đồng thời có cơ chế bắt buộc các doanh nghiệp phải thuê nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc trong doanh nghiệp của mình.
Cho phép các địa phương chủ động quy hoạch bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội ở các đô thị, không bắt buộc tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.
Địa phương cũng đề xuất, đối với các khu vực là bộ mặt đô thị, đề nghị yêu cầu nộp bằng tiền với giá trị tương đương vào ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở xã hội, thay thế cho việc để dành quỹ đất.
Mới đây, ngày 03/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.
Thời gian tới đây, việc dành quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sẽ sửa đổi theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo quỹ đất; bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân...
Đáng chú ý, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn, theo hướng đối với phần 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án; được hạch toán các chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội vào giá thành.