Tính đến cuối quý I/2023, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lên đến 31,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 52% tổng tài sản hợp nhất. Với nguồn lực tài chính lớn, ACV tiếp tục đầu tư loạt dự án hạ tầng cảng hàng không.
Quý đầu năm 2023 khả quan
Sau 2 năm (2020 và 2021) chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành hàng không đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 với động lực chủ yếu từ thị trường nội địa sau khi toàn bộ các đường bay nội địa được cho phép khai thác bình thường trở lại cùng nỗ lực phát triển du lịch.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 54,2 triệu lượt khách, tăng 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu lượt (tăng 3,5 lần so với năm 2021 và tăng 15,6% so với năm 2019), vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu lượt (tăng 22 lần so với năm 2021 nhưng chỉ bằng 27% năm 2019). Đối với vận chuyển hàng hóa, sản lượng vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 152 nghìn tấn (tương đương năm 2021 và bằng 60% năm 2019) và vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt khoảng 1,1 triệu tấn (xấp xỉ năm 2021 và tăng 10% so với năm 2019).
Bối cảnh kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp dịch vụ hàng không hưởng lợi, trong đó có
ACV. Báo cáo của Tổng công ty cho biết, tổng sản lượng hành khách phục vụ trong năm 2022 đạt 99 triệu lượt, tăng 229% so với năm 2021. Tổng sản lượng hàng hóa bưu kiện đạt 1.379 nghìn tấn, bằng 94% so với năm 2021. Tổng hạ cất cánh thương mại đạt 665 nghìn lượt, tăng 127% so với năm 2021. Qua đó, doanh thu thuần hợp nhất năm 2022 đạt 13.807 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 7.090 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần năm 2021 và gấp 2,8 lần kết quả cả hai năm 2020 - 2021 cộng lại.
Tuy vậy, bước sang năm 2023, tăng trưởng lưu lượng hành khách nội địa được dự báo không còn cao như năm 2022 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, môi trường lãi suất cao khiến thu nhập khả dụng của người dân bị ảnh hưởng, có thể làm giảm nhu cầu đi lại. Trong bối cảnh đó, sự tăng trưởng của lưu lượng khách quốc tế, đặc biệt từ các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… được kỳ vọng sẽ trở thành lực đẩy giúp duy trì đà phục hồi cho các doanh nghiệp trong ngành.
Tại Đại hội đồng cổ đồng thường niên 2023 vừa tổ chức, Ban lãnh đạo
ACV đã trình kế hoạch phục vụ hành khách năm nay với mức 118 triệu lượt khách, tăng 19,2% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế được kỳ vọng là động lực tăng trưởng với 32 triệu lượt, tăng 168% so với năm 2021, chủ yếu dựa trên kỳ vọng từ việc du khách Trung Quốc trở lại và việc mở các đường bay mới. Khách nội địa dự báo đạt 86 triệu lượt, giảm 1 triệu lượt khách so với năm 2022.
Trên cơ sở đó, kế hoạch tài chính đặt ra cho Công ty mẹ Tổng công ty ở mức 19.360 tỷ đồng tổng doanh thu (bao gồm cả doanh thu tài chính và thu nhập khác), lợi nhuận trước thuế đạt 8.488 tỷ đồng. Đối với hoạt động quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (khu bay) mà Tổng công ty được Nhà nước giao quản lý, khai thác, kế hoạch doanh thu năm 2023 ở mức 2.581 tỷ đồng và kế hoạch chênh lệch (thu - chi) là 1.329 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm,
ACV tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần đạt 4.728,4 tỷ đồng, tăng 124% so với quý I/2022. Đáng chú ý, biên lãi gộp trong quý I/2023 đạt 62,2%, gấp đôi mức 31,1% của cùng kỳ năm ngoái, giúp lợi nhuận gộp tăng gấp 4,5 lần lên 2.938,7 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận sau thuế đạt 1.635,9 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp ảnh hưởng của tỷ giá khiến hoạt động tài chính của Tổng công ty lỗ 377 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Tiếp tục đầu tư loạt dự án cảng hàng không
ACV đang quản lý và điều hành 22 cảng hàng không (sân bay) trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng tăng, Tổng công ty đang thực hiện một loạt dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng các cảng hàng không. Riêng năm 2023, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến lên đến 33.000 tỷ đồng với các dự án trọng điểm như: Dự án thành phần 3 Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Xây dựng Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; Mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Xây dựng Nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Xây dựng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi…
ACV đang thực hiện một loạt dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng hàng không. Riêng năm 2023, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến lên đến 33.000 tỷ đồng.
Trong số này, Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023. Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được khởi công ngày 24/12/2022, dự kiến hoàn thành công tác đóng cọc trong tháng 6/2023 và hoàn thành công trình vào tháng 12/2024.
Đối với Dự án Mở rộng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục cọc tháng 3/2023,
ACV dự kiến ký hợp đồng khởi công hạng mục cọc trong tháng 6/2023. Đồng thời, lập thiết kế kỹ thuật phần thân nhà ga, dự kiến trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định để mời thầu phần thân trong quý III/2023.
Dự án Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, đến nay tiến độ cơ bản đáp ứng kế hoạch, dự kiến đưa vào khai thác ngày 7/5/2024.
Đối với Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách (giá trị lên đến 35,233 nghìn tỷ đồng) đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân.
Tính đến cuối quý I/2023, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn trên báo cáo tài chính hợp nhất của
ACV lên đến 31,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 52% tổng tài sản hợp nhất. Cùng với sự bổ sung liên tục từ dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (trừ năm 2021), nhìn chung nguồn lực tài chính của Tổng công ty khá dồi dào, có thể bảo đảm nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới, giảm phụ thuộc vào nguồn nợ vay cũng như có vị thế tốt hơn khi đàm phán tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức tín dụng.
Tuy vậy, việc lượng tiền dự trữ sẽ giảm theo nhu cầu giải ngân vốn đầu tư cho các dự án có thể làm giảm nguồn thu nhập tài chính từ lãi tiền gửi trong thời gian tới, vốn đóng góp đáng kể trong cấu trúc lợi nhuận của
ACV.
Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2022,
ACV đang có dư nợ vay bằng đồng yên Nhật (JPY) với giá trị còn lại là 66,92 tỷ JPY, tương đương 11.216 tỷ đồng. Mặc dù tổng giá trị dư nợ chỉ chiếm 18,7% cơ cấu vốn, nhỏ hơn giá trị tiền mặt dự trữ và được ưu đãi lãi suất, nhưng trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động khó lường, sự hồi phục tỷ giá của đồng JPY có thể làm tăng áp lực hạch toán chi phí tài chính cho Tổng công ty trong thời gian tới.