Ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư khắp thế giới, không chỉ giới hạn ở việc khai thác nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối sẵn có mà cả về lĩnh vực công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Nhà đầu tư đã sẵn sàng
Phát biểu tại Hội nghị năng lượng tái tạo 2023 vừa được Forbes Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) – USAID khẳng định, Việt Nam là “mỏ vàng” về năng lượng tái tạo với tiềm năng to lớn cả về điện gió, điện mặt trời và cả điện sinh khối từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, vào trung tuần tháng 5/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với công suất của điện gió ngoài khơi lên mức 6.000MW và điện mặt trời áp mái lên 2.600MW vào năm 2030.
Ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) - USAID:
Ông Hà Đăng Sơn.
Ngoài những khó khăn trong đầu tư do là ngành công nghiệp năng lượng mới, Việt Nam đang phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia xung quanh. Sau những bước phát triển thần kỳ về đầu tư năng lượng tái tạo, hiện Việt Nam đang bị chậm lại trong khi các quốc gia xung quanh như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore đang đẩy mạnh đầu tư về năng lượng tái tạo thông qua các chính sách và đây cũng là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam.
Quan sát quá trình xây dựng chính sách thì chúng ta đang quá chậm so với lộ trình để có thể đạt được mục tiêu. Thông thường cơ chế có độ trễ so với thực tiễn và chỉ cần một bước chậm lại của Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế chính sách cũng sẽ làm cho quá trình đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn. Khi độ trễ chính sách nó quá lớn, có thể sẽ gây ra sự chán nản đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới khả năng đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra trong chiến lược cũng như trong quy hoạch điện VIII.
Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group:
Ông Phạm Đăng An.
Sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất sẽ giúp DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đặc biệt, thông qua phương án hợp tác mua bán điện (PPA), Vũ Phong Energy Group, với vai trò là nhà đầu tư, nhà phát triển và đơn vị vận hành bảo dưỡng, sẽ đồng hành với DN sản xuất trong việc sử dụng năng lượng sạch. Các nhà máy không cần bỏ vốn đầu tư ban đầu mà toàn bộ chi phí sẽ được đầu tư bởi Vũ Phong và đối tác. Điều này giúp DN vừa có thể sử dụng năng lượng sạch với giá rẻ hơn so với mua từ EVN vừa có thể thực hiện các chứng chỉ carbon liên quan.
Không gian phát triển mới của ngành năng lượng mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam. Đặc biệt khi các giải pháp về năng lượng tái tạo đang tiếp tục giảm giá rất mạnh trên toàn cầu. Điều này giúp chi phí đầu tư cho điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời có sức cạnh tranh hơn với các nguồn truyền thống và đã tiệm cận với thủy điện, nguồn có mức đầu tư rẻ nhất hiện nay. Điển hình như hệ thống pin lưu trữ đã giảm giá từ 15.000 USD xuống chỉ còn hơn 200 USD chỉ trong vòng 10 năm qua.
Bên cạnh đó, mối quan tâm của cộng đồng về việc sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng cao. Cả khối công và khối tư đều đang ưu tiên lớn cho đầu tư năng lượng sạch.
Là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2009, Vũ Phong Energy Group đã hoàn thành và chuyển giao hơn 1.000 dự án trong cả lĩnh vực điện mặt trời áp mái cho doanh nghiệp, hộ gia đình và nhà máy điện mặt trời. Hiện tại, Vũ Phong tập trung vào lĩnh vực điện mặt trời mái nhà cho các DN sản xuất, đặc biệt là thông qua phương án hợp tác mua bán điện PPA, giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo để chuyển đổi sang sản xuất xanh và đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà không cần đầu tư vào hệ thống. Hiện tại, Vũ Phong đã triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà cho hơn 100 nhà máy và đang triển khai cho 12 nhà máy thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group nhận định, phân khúc điện mặt trời mái nhà có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Quy hoạch điện VIII đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 là 50% tòa nhà văn phòng và 50% các hộ gia đình sử dụng điện mặt trời mái nhà tự tiêu. Ngoài ra, còn có nhu cầu nội địa từ các DN trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh và đáp ứng các yêu cầu về sản xuất thân thiện với môi trường khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh tiềm năng về điện mặt trời mái nhà, nhiều nhà đầu tư cũng rất quan tâm tới tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asia Petroleum Energy Corporation chỉ ra rằng, hơn 3.000 km bờ biển của Việt Nam chính là “mỏ gió” đang rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Trong Quy hoạch điện VIII, điện gió ngoài khơi được xác định là xương sống của ngành năng lượng tái tạo. Đây có thể coi là ngành năng lượng tương lai của Việt Nam. “Rất nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Việt Nam, mở văn phòng và chỉ chờ cơ hội đầu tư. Trong tương lai, ngành này sẽ bằng, hoặc có thể còn lớn hơn cả dầu khí”, ông Toản nhìn nhận.
Theo đó, ông Toản kỳ vọng Việt Nam có thể xây dựng được ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất các thiết bị cung ứng cho trong nước và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp giảm giá thành cho điện mặt trời và điện gió. “Chúng tôi đang làm việc với nhiều quỹ đầu tư và họ rất sẵn sàng đến Việt Nam”, ông Toản chia sẻ.
Quy hoạch dài hạn, tầm nhìn lớn để thu hút vốn đầu tư
Để khai thác được tiềm năng to lớn của “mỏ vàng” năng lượng tái tạo, các DN mong muốn quy hoạch về năng lượng của Chính phủ cần mang tính chất chiến lược lâu dài, minh bạch, giúp cho các DN nhìn thấy được lộ trình đầu tư dài hạn về năng lượng. Chính phủ cần đưa ra được “tầm nhìn lớn” trong các quy hoạch. “Vừa rồi chúng ta đã có bài học về việc quy hoạch nhỏ quá, đến năm 2020 chỉ có 850 MW điện mặt trời và 850 MW điện gió. Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài không nhìn thấy tiềm năng to lớn và không đến đầu tư. Kết quả là Việt Nam bị vuột mất một chuỗi cung ứng lớn với rất nhiều lợi ích và gần như phải nhập khẩu toàn bộ thiết bị từ các nước”, ông Toản cho biết.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc bộ phận Kỹ thuật và Xây dựng, UPC Renewables Việt Nam, kỳ vọng về những quy định thông thoáng hơn như ban hành cơ chế dành cho việc áp dụng loại hợp đồng PPA để DN đầu tư có thể làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, khách hàng cuối sử dụng điện. Ngoài ra, để thị trường phát triển và nâng cao tính cạnh tranh, bà Vân cũng kỳ vọng hệ thống thương mại về điện, cơ chế về tài chính, lãi suất sẽ được hình thành…
Liên quan đến vấn đề vốn cho ngành năng lượng, ông Vương Thành Long, Giám đốc ban Khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, BIDV cho biết, yêu cầu vốn cho ngành năng lượng Việt Nam lên đến 13-16 tỷ USD, tỷ lệ hấp thụ lên đến 15-20% phần tăng trưởng tín dụng hàng năm của hệ thống ngân hàng. Đây vừa là động năng của ngành kinh tế vừa là trách nhiệm trong đầu tư vào ngành năng lượng. Do đó, BIDV phải chọn các dự án có xu hướng xanh để phát triển và cũng lập viện nghiên cứu riêng phục vụ xu hướng này.
Theo ông Long, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đã tăng khá nhanh trong vòng 4 năm qua. Nếu năm 2019 tỷ lệ tín dụng xanh mới chiếm 1,9% tổng dư nợ thì đến cuối năm 2022 đã lên 4,5%, tăng hơn 40% mỗi năm. Hiện BIDV tham gia tài trợ khoảng 1.400 dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tổng số lượng cam kết cho nền kinh tế vào khoảng 6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân và bảo lãnh 2,7 tỷ USD.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng tìm kiếm hợp tác để dẫn dắt nguồn vốn vào Việt Nam. Các nguồn vốn hợp tác quốc tế đã giải ngân xong, như cùng cơ quan Phát triển Pháp (AFD) triển khai hạn mức tín dụng xanh SUNREF 100 triệu USD; nguồn vốn tiết kiệm năng lượng từ Ngân hàng thế giới (WB) 50 triệu USD. Cũng theo hướng này, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng môi trường 150 triệu euro với ngân hàng Đầu tư châu Âu, hiện đã rút vốn 22 triệu USD tài trợ cho 6 dự án thủy điện. Hiện đang thu xếp các nguồn vay mới khác với nhiều định chế tài chính có tổng trị giá 300 triệu USD.
Lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo
Ông Nguyễn Khắc Văn.
Với việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Khắc Văn, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích kép khi vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh nếu được cung cấp các chứng chỉ xanh.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và lợi ích trong việc sử dụng năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp hiện nay?
Sử dụng năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp, nên từ Chính phủ đến các cơ quan quản lý trung ương và địa phương đều rất ủng hộ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện VIII, với một số quy định và mục tiêu liên quan đến năng lượng tái tạo. Vì thế, đây là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận và sử dụng năng lượng tái tạo.
Hơn nữa, cao điểm nắng nóng và thiếu điện thời gian qua tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội, đã cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời áp mái trong các doanh nghiệp, nhà xưởng sản xuất… Với biến đổi khí hậu được dự báo còn phức tạp thì các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn nữa đến năng lượng tái tạo. Chẳng hạn tại Hà Nội, theo nghiên cứu thì Thành phố có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời lên tới 1.400 MW – tương đương công suất của thủy điện Hòa Bình, nhưng hiện mới lắp đặt được 33MW, con số còn quá khiêm tốn.
Sử dụng năng lượng tái tạo đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng có nhiều lợi ích. Xét về lưới điện, năng lượng tái tạo làm giảm phụ tải điện, không phải truyền tải từ xa nên giúp nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như lợi ích cho hệ thống lưới điện. Việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo còn có lợi ích cho cả phía đơn vị đầu tư và doanh nghiệp, khi một bên thì có thêm lợi nhuận, một bên thì tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Nếu xét về lợi ích lâu dài, doanh nghiệp đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo có thể được cấp chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế (I-REC), giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm xuất khẩu được ưu tiên lựa chọn hơn so với các doanh nghiệp không có chứng chỉ này.
Tiềm năng và cơ hội là rất lớn, nhưng theo ông, đâu là những khó khăn còn cản trở việc sử dụng năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp?
Đầu tiên phải kể đến khó khăn về chính sách. Dù quy hoạch điện VIII đã duyệt nhưng các văn bản lại giao cho Bộ Công Thương hướng dẫn, đến hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về điện mặt trời tự sản, tự tiêu cho doanh nghiệp. Chỉ một định nghĩa thôi nhưng nếu chưa minh bạch và cụ thể thì doanh nghiệp vẫn khó thực hiện. Ngoài ra, các chính sách cũng còn nhiều bất cập khi không còn cơ chế khuyến khích về giá điện hay về đấu nối điện mặt trời để phát điện thương mại… cùng với đó là những quy định chưa rõ ràng về an toàn điện, phòng chống cháy nổ, mối quan hệ với ngành điện.
Đặc biệt, với các địa phương phía Bắc, thời tiết thất thường theo mùa vụ nên công suất có thể không đáp ứng được, gây khó khăn cho các lưới điện tại địa phương.
Hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài đưa ra chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho hệ thống năng lượng tái tạo, điện mắt trời áp mái. Tuy nhiên, họ thường có tệp khách hàng riêng, phải đáp ứng yêu cầu về mặt doanh thu, nhà xưởng, sản lượng điện tiêu thụ… nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng và tiếp cận.
Từ những vấn đề trên, ông có kiến nghị và khuyến nghị như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về năng lượng tái tạo?
Riêng tại TP Hà Nội, Thành phố đã chủ động nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển năng lượng tái tạo trong vài năm trở lại đây, bởi Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, do là cơ quan cấp địa phương đến cũng phải chờ hướng dẫn từ cơ quan trung ương, nên một số chương trình, chính sách đã được xây dựng chưa nhất quán với chính sách cụ thể. Thực tế là hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội gửi văn bản đặt vấn đề về tự đầu tư, triển khai hệ thống điện mặt trời nhưng Sở Công Thương chỉ có thể trả lời là chính sách chưa rõ, nên các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải chờ đợi. Mà chờ đợi chính là sự lãng phí rất lớn trong bối cảnh hiện nay.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong các chính sách từ trung ương cần được đẩy nhanh tiến độ ban hành và thi hành trên thực tế, để những vướng mắc, bất cập sớm được tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp tự tin phát triển điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần những hỗ trợ về công nghệ, tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài các doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác về phát triển năng lượng tái tạo, doanh nghiệp có thể tìm đến các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có các chương trình tín dụng xanh, giúp doanh nghiệp nhiều lĩnh vực, mọi quy mô có thể tiếp cận nguồn vốn, đầu tư và xây lắp. Theo tính toán, dù thời tiết miền Bắc không hiệu quả như miền Nam, nhưng thời gian hoàn vốn trong việc đầu tư, sử dụng năng lượng mặt trời của các doanh nghiệp sẽ xấp xỉ 7 năm. Do vậy, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để đầu tư, nên cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng hợp lý.
Xin cảm ơn ông!