Tập đoàn năng lượng nguyên tử thuộc sở hữu nhà nước của Nga Rosatom đã tăng đáng kể nguồn cung thiết bị và nhiên liệu hạt nhân cho các quốc gia "thân thiện", Tổng giám đốc Công ty Aleksey Likhachev nói với Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Hai 14/8.
“Chúng tôi duy trì và thậm chí tăng nhẹ nguồn cung cho tất cả các quốc gia, đáng chú ý việc giao hàng cho các quốc gia "thân thiện" đang tăng lên một cách đặc biệt. Đó là các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng như Trung Đông và châu Phi”, ông Likhachev nói.
Ông nói thêm rằng công ty đã chứng kiến “nguồn cung tăng lên tới 60-70% ở những thị trường này” khi đề cập đến chu trình nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện - từ khai thác uranium đến xử lý chất thải phóng xạ.
Tổng thống Putin cho biết bất chấp áp lực của phương Tây, các nước khách hàng “đang hành xử có trách nhiệm, bởi vì việc thay đổi nhà cung cấp là rất khó khăn về mặt công nghệ”.
Người đứng đầu Rosatom chia sẻ các quốc gia thân thiện với Moscow đang chịu “áp lực to lớn” cả về chính trị và kinh tế.
Ông Likhachev cũng nói với Tổng thống rằng Rosatom không nhìn thấy “những triển vọng tăng trưởng đặc biệt ở thị trường châu Âu… không chỉ vì có thái độ không thân thiện với chúng tôi, mà vì đơn giản là không có tiềm năng tăng trưởng ở đó”, ông giải thích.
Năng lượng hạt nhân không nằm trong lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow, do đó bất chấp sự thúc đẩy mạnh mẽ từ một số quốc gia thành viên của khối và Ủy ban châu Âu nhằm vào các giám đốc điều hành của Rosatom, những nỗ lực này đã thất bại do sự phản đối mạnh mẽ từ Hungary và Pháp. Các nhà chức trách Hungary đang tìm cách mở rộng nhà máy điện hạt nhân quan trọng Paks do Rosatom xây dựng, đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga.