Tính riêng năm 2022, ngành phim, âm nhạc, truyền hình Việt Nam thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng do các vi phạm bản quyền, dẫn tới nhiều doanh nghiệp nội dung số như K+, TV360 và FPT Play khó có thể vươn lên mạnh mẽ.
Trong bối cảnh phân phối nội dung số đang diễn ra cực kỳ sôi động, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền hình OTT (Over-The-Top) và các nhà phát hành phim trực tuyến đã đưa người dùng tới một thời kỳ tiêu thụ nội dung giải trí hoàn toàn mới.
Sự thuận tiện trong việc truy cập phim, chương trình truyền hình và sự kiện âm nhạc trực tiếp trên các thiết bị đã làm thay đổi cách khán giả tương tác với nội dung.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng số này cũng mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung. Vấn nạn xâm hại bản quyền đang trở thành nỗi đau kéo dài của những doanh nghiệp như K+, TV360 và
FPT Play.
Đánh giá về thực trạng này, ông Phạm Hoàng Hải - đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông điện tử cho biết, hiện tượng vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra phức tạp, khi có hàng loạt website lậu các giải bóng đá, cũng như phim điện ảnh, truyền hình.
Theo số liệu từ SimilarWeb, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt xem trong những năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, số liệu của SimilarWeb cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng.
Ông Hải chỉ ra, đặc điểm chung của nhiều trang web vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ấn giấu thông tin, hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Các đơn vị quản lý web lậu thường gắn quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc trên những trang này.
Hình thức vi phạm điển hình của các web vi phạm bản quyền là ngay sau khi chủ sở hữu quyền phát sóng, đăng tải nội dung trên các nền tảng như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh.., các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách live stream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung.
Luật sư Phạm Thanh Thủy - phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+
Đồng quan điểm, luật sư Phạm Thanh Thủy - phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ cũng khẳng định, vi phạm bản quyền nội dung số rất tràn lan trên Internet, đơn cử như 1 trận đấu khi được chiếu trên K+ và các đơn vị đồng phân phối của K+, đồng thời nó còn được chiếu trên nhiều website, app lậu.
Dẫn nguồn từ Media Partners Asia, luật sư Phạm Thanh Thủy cho hay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu. Vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu.
"Các chủ sở hữu bản quyền nội dung rất mong nhờ chống vi phạm bản quyền tốt, chỉ 10% trong tổng số 15,5 triệu thuê bao xem lậu chuyển thành thuê bao hợp pháp thì các đơn vị sẽ có thêm chi phí để tái đầu tư sản xuất hoặc mua bản quyền những nội dung giá trị, tốt hơn", bà Phạm Thanh Thủy phân tích.
Bổ sung thông tin về thiệt hại do những lỗ hổng bản quyền nội dung số, Tổng Giám đốc Thủ đô Multimedia - ông Nguyễn Ngọc Hân chỉ ra, 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số và các nội dung bị vi phạm nhiều nhất: chương trình truyền hình, phim, nhạc.
Thống kê cho thấy thiệt hại 65 tỷ USD của ba ngành phim, âm nhạc, truyền hình toàn cầu năm 2022, còn tại Việt Nam năm 2022 con số này là khoảng 348 triệu USD, tương đương khoảng 7 nghìn tỷ đồng.
"Nếu không bảo vệ được bản quyền, ngành nội dung số ở Việt Nam khó phát triển mạnh mẽ và góp phần mang lại lợi ích cho đất nước", ông Hân nhấn mạnh.
Đại diện của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, mặc dù các biện pháp chặn tên miền cũng đã bắt đầu được thực thi tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp truyền hình OTT và các hãng phát hành trực tuyến cũng đang phải đối mặt với các rủi ro khác, đòi hỏi các giải pháp bảo vệ bản quyền toàn diện.
Ông Vũ Kiêm Văn - Tổng thư ký VDCA
Ông Vũ Kiêm Văn - Tổng thư ký VDCA cho biết, vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức. Đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp sáng tạo, kinh doanh nội dung số rất quan tâm.
Theo các chuyên gia, hiện có ba nhóm giải pháp. Trong đó hai cách truyền thống đã có từ lâu: giải pháp kỹ thuật - phát triển tính năng nhằm mã hoá nội dung hoặc truy xuất vi phạm, và biện pháp pháp lý - gồm hành chính, dân sự, hình sự.
Nhóm giải pháp thứ ba là một xu hướng mới, đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, đó là chặn truy cập và "Knock and Talk" (tạm dịch: gõ cửa và nói chuyện). Cụ thể là tìm ra danh tính và nhân thân của người đứng đầu vi phạm, rồi trực tiếp gặp và yêu cầu dừng mọi vi phạm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện cũng đang quan tâm tới một giải pháp công nghệ mới, được gọi là Sigma Active Observer (SAO) - cung cấp một cơ chế phòng thủ linh hoạt và tích cực, chủ động phát hiện và thông báo các nguy cơ vi phạm bản quyền.
Giải pháp này không chỉ có một lớp bảo mật của Sigma Multi-DRM, mà còn quan sát hoạt động giám sát mọi khía cạnh của phân phối nội dung và phát trực tuyến.
Đặc biệt, với việc ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), giải pháp này có thể xác định các biểu hiện bất thường và các mối đe dọa tiềm năng tại mọi bước, bao gồm việc phát hiện vi phạm phân phối xuyên biên giới và giả mạo gói tin.
Đồng thời đi sâu vào mẫu hành vi người dùng, tức thời xác định các hoạt động đáng ngờ và bảo vệ khỏi sự can thiệp…