• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 4:41:18 SA - Mở cửa
Ngành gỗ và trồng rừng cần trợ lực để 'hồi sinh'
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 02/10/2024 9:08:01 SA

 

Trước hàng loạt khó khăn mà ngành gỗ đang phải đối diện, đặc biệt là hậu quả nặng nề từ cơn bão số 3 (bão) Yagi, nhiều chuyên gia lo ngại mục tiêu 15,2 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là một thách thức lớn.

Sau gần một tháng kể từ khi bão Yagi đổ bộ, nhiều người trồng rừng tại Quảng Ninh vốn đang là tỷ phú bỗng trắng tay, không có nguồn trả nợ ngân hàng, thuê nhân công khôi phục sản xuất..

Tỷ phú trồng rừng... thành con nợ

Là một trong những hộ trồng rừng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi, những ngày qua, chị Hoàng Thị Lâm, xã Dương Huy (TP Cẩm Phả) cặm cụi cùng chồng chặt hạ những cây keo to bị đổ gãy.

"Gia đình có gần 130ha rừng keo đã đến kỳ thu hoạch. Mấy tuần trước bão, có người đến trả 100 triệu đồng/ha thì không bán. Thế rồi bão về quật cho tan tác", chị Lâm ngậm ngùi kể.

Giờ đây, vợ chồng chị đi "mót" những cây keo còn tương đối trên đồi để chở đi bán. Nhiều người cùng bán nên bị tiểu thương ép giá. Nếu như trước đây được 1.000.000 đồng/tấn thì sau bão, giá xuống còn 60.000-700.000 đồng.

"Đã vậy, sau bão, thuê nhân công rất khó, vì ai cũng phải khắc phục hậu quả của gia đình mình, nên đành phải huy động người trong nhà tự làm", chị Lâm cho biết.

Với 170.000ha rừng bị thiệt hại, cơ quan chuyên môn ước tính cần khoảng 2 năm để phục hồi các hoạt động sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản tại khu vực phía Bắc.  

Đại diện chính quyền xã Dương Huy thông tin, bão số 3 làm 1.121,9ha rừng sản xuất của người dân ở địa phương bị thiệt hại.

"Người dân Dương Huy sống chủ yếu dựa vào lâm nghiệp. Thực tế đã có nhiều hộ gia đình giàu lên từ trồng rừng, có tiền tỷ trong tay. Trận bão này đã làm thiệt hại quá lớn cho người dân, nhiều tỷ phú bỗng trở thành con nợ”..., đại diện xã nói.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề với lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp. Diện tích rừng trồng sản xuất gần 170 nghìn ha bị thiệt hại, sẽ làm giảm đáng kể nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ trong thời gian tới. Nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.

Đơn cử, tại Quảng Ninh - một trong những địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại nặng sau bão số 3, chính quyền của địa phương thông tin chỉ còn khoảng 1/4 diện tích rừng trồng của tỉnh còn nguyên vẹn và ước khoảng 10.000ha rừng bị thiệt hại.

Nếu số liệu điều tra những ngày tới khẳng định ước tính ban đầu, ông Lực dự báo tỷ lệ che phủ của tỉnh sẽ giảm hơn 10%, nghĩa là quay về thời điểm những năm 1990. Do đó, cùng với nỗi lo giá nguyên liệu giảm, Quảng Ninh và nhiều địa phương hiện đang đối mặt nguy cơ suy giảm tỷ lệ che phủ rừng.

“Hiện, toàn ngành lâm nghiệp đang dồn lực khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, hỗ trợ kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản bị thiệt hại nhanh chóng ổn định lại sản xuất. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản”, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết.

Đó là kế hoạch ngắn hạn nhằm giải quyết những hậu quả do cơn bão lịch sử để lại, còn xét trên phương diện rộng, ngành xuất khẩu gỗ cũng đang đối diện với hàng loạt khó khăn không nhỏ khác.

Do vậy, các chuyên gia lo ngại, kế hoạch để đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 như đã đề ra là 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, sẽ là một thách thức lớn cho toàn ngành.

Thách thức không chỉ trong ngắn hạn

Mặc dù giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong những tháng đầu năm thể hiện những con số tăng trưởng ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cho rằng thị trường thực sự chưa bền vững.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang trong xu hướng tích cực nhờ nhu cầu từ các thị trường phục hồi khả quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đang phải đối diện với những thách thức mới về cam kết quốc tế.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2%, được đánh giá là mức tăng cao.

Cùng với đó, giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng mạnh cũng gây áp lực cho doanh nghiệp ngành hàng này. Đặc biệt, tác động sau cơn bão Yagi, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và đình trệ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gỗ tại miền Bắc. Do vậy, những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập cho rằng, thực tế là các nhà nhập khẩu chỉ mua tích trữ trong kho.

“Sau thời gian dài giảm nhập hàng vào năm ngoái, giờ tồn kho giảm thì nay họ mua thêm hàng để phòng trừ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cước vận tải tăng giá”, ông Lập lưu ý.

Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, doanh nghiệp gỗ còn đang đối mặt với tình trạng yêu cầu giảm giá từ nhà nhập khẩu, dẫn đến biên lợi nhuận giảm sâu. Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm cách tối ưu hóa sản xuất, trong đó đầu tư công nghệ và chuyển đổi số giúp giảm đáng kể chi phí, tăng năng suất lao động…

Mặt khác, thời gian gần đây, các quy định về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm được các thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn đưa ra ngày càng chặt chẽ, chi tiết hơn.

Để thích nghi, vấn đề hiện nay của doanh nghiệp gỗ là làm sao để nhà máy duy trì hoạt động và phát triển lâu dài, như chấp nhận lợi nhuận thấp, làm các đơn hàng ngắn hạn; sẵn sàng làm hàng mẫu theo yêu cầu của khách hàng để nâng giá trị...

Ở góc độ cơ quan quản lý, theo ông Triệu Văn Lực, trong thời gian tới cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Trước đó, trong cuộc họp bàn về giải pháp để khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đã nhấn mạnh, hiện nay, dăm gỗ và viên nén gỗ là mặt hàng đang được các thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp cần có hướng dẫn các địa phương và chủ rừng có rừng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 để xem xét hiện trạng, từ đó xử lý. Đặc biệt, với diện tích những cây rừng gãy đổ không thể khôi phục được thì nên tiến hành khai thác ngay và trồng cây thay thế. Với những cây gỗ nhỏ, cành gỗ cần gom lại để đem về băm làm dăm gỗ, viên nén gỗ, nhằm giúp bà con giảm thiểu về thiệt hại.

Hồng Hương-Link gốc