Trong cuộc làm việc với Hạ viện Indonesia (DPR) ở Jakarta mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này, Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh việc quản lý nợ trong năm 2025 cần phải được xử lý thận trọng.
Nhân viên phòng giao dịch hối đoái kiểm tiền giấy rupiah tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Bộ trưởng dự báo lãi suất sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài nên sẽ có tác động đến ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc quản lý nợ thận trọng là điều cần thiết.
Bộ Tài chính Indonesia đã đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách nhà nước (APBN) năm 2025 trong khoảng từ 2,45% đến 2,82%. Tài trợ đầu tư dự kiến sẽ chiếm từ 0,3% đến 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ nợ nằm trong khoảng từ 37,98% đến 38,71%. Số dư cơ bản được chốt trong khoảng từ 0,3% đến 0,61%.
Theo bà Sri Mulyani, ngân sách nhà nước Indonesia năm 2025 được thiết kế mở rộng nhưng vẫn tập trung và có thể đo lường được nhằm tối đa hóa năng lực tài chính cho Chính phủ tiếp theo.
Trong Khung kinh tế vĩ mô và Nguyên tắc chính sách tài chính năm 2025, Indonesia đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong khoảng 5,1-5,5%. Mục tiêu tăng trưởng này được cho là đầy tham vọng nhưng vẫn thực tế. Để tình hình tài chính được duy trì lành mạnh khi chính phủ mới tiếp quản, tỷ lệ nợ được dự kiến nằm trong giới hạn an toàn là khoảng 37,9-38,71% GDP.
Bà Sri Mulyani nói: “Nguồn tài chính sẽ được duy trì và quản lý thông qua nguồn tài chính sáng tạo, thận trọng và bền vững thông qua các biện pháp quản lý nợ khác nhau của Indonesia và tiếp tục được chuẩn hóa trên toàn cầu”.
Ngoài ra, để duy trì tỷ lệ nợ, Bộ Tài chính sẽ tối đa hóa nguồn tài trợ nội bộ như thông qua Cơ quan Dịch vụ công (BLU) và Doanh nghiệp nhà nước (BUMN).
Minh Trang-Link gốc