Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng hay giảm, mà duy trì mức lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lùi thời hạn cắt giảm lãi suất đồng USD đang tạo áp lực lớn lên tỷ giá và tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà điều hành vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong phần còn lại của năm nay khi Chính phủ vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tỷ giá là vấn đề lớn
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn kiên định với chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy vậy, việc Fed chậm giảm lãi suất hơn dự kiến chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Chúng ta có độ mở rất cao với nền kinh tế toàn cầu, từ 80 - 90%. Hoạt động xuất nhập khẩu rất sôi động, đặc biệt là cán cân thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ là rất cao”, ông Minh nói.
“Việc Fed chậm giảm lãi suất rõ ràng sẽ khiến đồng VND mất giá mạnh. Việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng làm áp lực tỷ giá sẽ còn tiếp diễn. Tôi nghĩ NHNN nhiều khả năng sẽ thực hiện việc nâng lãi suất”, ông Minh dự báo.
Không chỉ áp lực tỷ giá cao, ngay cả thị trường huy động vốn cũng “nóng” hơn. Theo đó, kể từ cuối tháng 4 đến nay, hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 0,2-1%/năm tuỳ kỳ hạn. Thống kê từ đầu tháng 8 đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, và CB. Trong đó, Sacombank là ngân hàng đã có 2 lần tăng lãi suất.
NHNN vẫn giữ nguyên định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng.
Theo dự báo của giới phân tích, lãi suất huy động sẽ tăng 0,5 - 1 điểm % từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thanh Huyền, Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao của VinaCapital, dù có các đợt điều chỉnh, song lãi suất huy động hiện tại đang thấp hơn giai đoạn COVID -19. So với lãi suất tiết kiệm trung bình trong 10 năm gần đây (khoảng 6,2 - 6,3%/năm) thì lãi suất hiện tại cũng thấp hơn 1,5 điểm %.
Thống kê mới nhất của NHNN cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2024, lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng NHNN vẫn giữ nguyên định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng vừa qua, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng..., nhờ đó mặt bằng lãi suất cho vay giảm.
Tính đến cuối tháng 6/2024, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023.
Động thái mới của NHNN về lãi suất
Ngày 5/8, NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu 0,25 điểm %, từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm.
Đây là lần đầu tiên, NHNN giảm lãi suất OMO kể từ cuối năm 2023. Trước đó, nhà điều hành đã có 2 lần điều chỉnh tăng loại lãi suất này vào trung tuần tháng 4 và tháng 5/2024, từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%.
Việc giảm 2 loại lãi suất nêu trên được cho là nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tăng lãi suất để giảm áp lực tỷ giá. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tốc độ huy động vốn đang thấp hơn nhiều (chỉ bằng 1/3) so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm. Suốt vài tháng qua, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, động thái của NHNN được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang giảm dần.
Theo số liệu được NHNN báo cáo trong cuộc họp về chính sách tiền tệ với Thủ tướng Chính phủ vừa qua, đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD cũng giảm về mức 25.630 đồng/USD, thu hẹp mức mất giá của tiền đồng xuống còn khoảng gần 3,7% so với cuối năm 2023 và so với mức mất giá lên tới 4,9% vào cuối tháng 6/2024.
Theo các chuyên gia tài chính, việc NHNN giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của nhà điều hành, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại đảm bảo tốt hơn nguồn vốn cung ứng ra nền kinh tế.
Mặc dù lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng và tại các ngân hàng thương mại đều tăng từ tháng 7 đến nay nhưng dự báo lãi suất cho vay sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
“Lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024”, chuyên gia của MBS nhận định.
Huyền Anh-Link gốc