Những diễn biến tích cực trong 3 quý đầu năm được kỳ vọng sẽ là bản lề để hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản bùng nổ, với những thương vụ bom tấn trong phần còn lại của năm 2024 và cả năm 2025.
Bất chấp khó khăn của thị trường chung, các doanh nghiệp địa ốc cả trong và ngoài nước vẫn cho thấy nhiều tham vọng trong cuộc đua gom dự án thời gian qua. Trong khi khối nội đẩy mạnh “săn” quỹ đất, thì khối ngoại lại đang thể hiện ưu thế tại phân khúc nhà ở, khu công nghiệp...
Đường đua thêm sôi động
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới cho 2.247 dự án tại Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% về số dự án và 27% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút tới 2,4 tỷ USD trong 8 tháng, gấp 5,1 lần cùng kỳ năm trước và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, vốn FDI vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ.
Dòng vốn ngoại chảy mạnh cho thấy thị trường địa ốc Việt Nam, với những lợi thế về tiềm năng tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư thuận lợi, lợi nhuận hấp dẫn và sự ổn định chính trị xã hội, đang tạo sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Thị trường M&A bất động sản được kỳ vọng bùng nổ, với những thương vụ "bom tấn" trong thời gian tới.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay kể từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản gây chú ý. Các nhà đầu tư ngoại chịu chi nhất chủ yếu đến từ Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...
Đáng chú ý, theo Cushman & Wakefield, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland..., thì hiện nay, thị trường có thêm nhiều “tay chơi” mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Cùng với nhà ở, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng đang là “hố đen” hút vốn FDI. Một trong những thương vụ đình đám là Mapletree Logistics Trust (MLT) - quỹ đầu tư đến từ Singapore, chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) mua lại 2 nhà kho hạng A tại Việt Nam, lần lượt ở Bình Dương và Hưng Yên.
Chờ “bom tấn” cuối năm
Bên cạnh 2 phân khúc chủ lực là nhà ở và khu công nghiệp, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay thời gian gần đây không ít nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có thể tạo ra dòng tiền ngay, như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, văn phòng...
Điển hình, vào đầu tháng 2/2024, ông trùm bất động sản bán lẻ Central Pattana - thành viên của gã khổng lồ bán lẻ Thái Lan Central Group - đã rục rịch thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhằm gia nhập đường đua bất động sản thương mại, bán lẻ được đánh giá tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Cần phải nói thêm, nửa đầu năm 2024 được đánh giá là quãng thời gian khá mờ nhạt trên đường đua M&A bất động sản, thị trường không có quá nhiều thương vụ đình đám.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hai quý đầu năm là quãng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị về tiền bạc, pháp lý, thông tin dự án... sẵn sàng cho sự bùng nổ trong nửa cuối năm 2024, kéo dài sang năm 2025.
Và thực tế, trong tháng 8 vừa qua, thị trường bất động sản đã ghi nhận một loạt thương vụ “bom tấn”. Điển hình là thương vụ KIDO nâng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại CTCP Hùng Vương lên 58,05%. Để hoàn thành thương vụ, KIDO đã thực hiện hai đợt mua vào hơn 9,5 triệu và 4,5 triệu cổ phần của Hùng Vương trong chưa đầy 1 tháng.
Trước đó, Tập đoàn Mường Thanh cũng gây chú ý khi tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, đây vẫn được xem là “bom tấn” trên thị trường M&A bất động sản.
Cũng trong quý III, Novaland cho biết đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại công ty con là CTCP Huỳnh Gia Huy, cho CTCP Tập đoàn EverLand với giá trị chuyển nhượng khoảng 1.900 tỷ đồng. Được biết, Huỳnh Gia Huy là chủ đầu tư của dự án NovaHills Mui Ne tọa lạc tại Phan Thiết, với quy mô trải rộng trên gần 40ha.
Với những diễn biến từ thực tế, giới quan sát nhận định đường đua M&A bất động sản trong quý cuối năm 2024, tiếp nối sang năm 2025, sẽ sôi động hơn. Lợi thế trong cuộc đua M&A nhiều khả năng vẫn nghiêng về khối ngoại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội dù phần nào thất thế về tiền bạc, vẫn sẽ duy trì trạng thái “phòng thủ chủ động”.
Một điều dễ thấy là trong những năm gần đây, để không bị lép vế, các doanh nghiệp trong nước đang chủ động phát huy những lợi thế của chủ nhà. Một trong số đó là đẩy mạnh gom quỹ đất sạch - yếu tố then chốt trong thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, Quản lý bộ phận đầu tư Savills Hà Nội, cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A nửa cuối năm sẽ khởi sắc trên cơ sở các hành lang pháp lý được hoàn thiện, quyết tâm và các chính sách của Chính phủ trong việc gỡ vướng cho bất động sản sẽ tác động tích cực đến niềm tin của thị trường. Suy cho cùng, mọi thứ đều bắt đầu từ niềm tin”.
Hưng Nguyên-Link gốc