Những tuần gần đây, nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đặc biệt nhạy cảm với các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (5/9), khi nhà đầu tư bán mạnh các tài sản rủi ro vì lo ngại về triển vọng nền kinh tế trước thềm công bố báo cáo việc làm quan trọng. Mối lo tăng trưởng cũng khiến giá dầu thô giảm phiên thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất của hơn 1 năm trở lại đây.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, còn 5.503,41 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 219,22 điểm, tương đương giảm 0,54%, còn 40.755,75 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,25%, đạt 17.127,66 điểm, dù trong phiên có thời điểm tăng 1,2%.
Tính đến phiên này, S&P đã giảm liền 3 phiên, đánh dấu một sự khởi đầu ảm đạm cho tháng 9.
“Thị trường đang có một nỗi lo sợ mới về tăng trưởng kinh tế”, chiến lược gia trưởng Arun Sai của công ty Pictet Asset Management nhận định với hãng tin CNBC về nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán cổ phiếu ở Phố Wall.
Các số liệu mới về việc làm công bố ngày thứ Năm đã cho thấy những tín hiệu thiếu đồng nhất về sức khỏe của nền kinh tế, trong lúc thị trường bị ám ảnh bởi câu hỏi có phải Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quá chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất hay không.
Báo cáo hàng tháng từ công ty dịch vụ quản lý nguồn nhân lực ADP cho thấy các công ty tư nhân ở Mỹ tạo được 99.000 công việc mới trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với con số đã được điều chỉnh giảm so với công bố lần đầu của tháng 7 là 111.000 công việc, đồng thời thấp hơn mức dự báo 140.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra.
Dữ liệu này đồng nhất với nhiều báo cáo gần đây cho thấy hoạt động tuyển dụng trong nền kinh tế Mỹ đã chậm lại nhiều so với thời kỳ tăng trưởng việc làm bùng nổ hậu đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 31/8 đã giảm 5.000 người xuống còn 227.000 người, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7 và thấp hơn mức dự báo 230.000 người mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Những tuần gần đây, nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đặc biệt nhạy cảm với các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn vào hôm thứ Ba tuần này, dữ liệu xấu về lĩnh vực sản xuất đã gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8 do Bộ Lao động Mỹ công bố. Vào tháng trước, bản báo cáo việc làm u ám của tháng 7 của Mỹ đã thổi bùng mối lo suy thoái kinh tế và khiến thị trường tài chính không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu chao đảo.
“Nếu số liệu ngày mai đi trệch khỏi kỳ vọng, chúng ta sẽ chứng kiến thị trường những biến động rất mạnh mẽ theo cả hai chiều hướng”, Giám đốc đầu tư Mark Malek của công ty Siebert Financial nói với CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,01 USD/thùng, chốt ở mức 72,69 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,05 USD/thùng, chốt ở 69,15 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của giá dầu Brent kể từ tháng 6/2023 và của giá dầu WTI kể từ tháng 12/2023. Tính đến phiên này, giá cả hai loại dầu đã 3 lần liên tiếp lập đáy, và đã để mất toàn bộ thành quả tăng giá từ đầu năm.
Dầu giảm giá dưới áp lực đến từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, khả năng sản lượng dầu của Libya tăng trở lại đã lấn át tác động của số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ ở Mỹ và khả năng liên minh OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tồn trữ thương mại ở nước này giảm 6,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/8, mức giảm lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi có tin OPEC+ đã nhất trí hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 10 và tháng 11 năm nay, đồng thời cho biết có thể tiếp tục trì hoãn hoặc đảo ngược kế hoạch nếu cần thiết.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Một báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng quyết định trên của OPEC+ có tác dụng siết nguồn cung dầu toàn cầu một lượng khoảng 100.000-200.000 thùng/ngày và đủ để ngăn sự gia tăng của lượng dầu tồn trữ ngay cả khi nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc không cải thiện.
Tuy nhiên, các báo cáo ảm đạm gần đây về kinh tế Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất và tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới - vẫn tiếp tục gây áp lực mất giá lên dầu.
Ngoài ra, ở Libya, hoạt động vận chuyển dầu đã rục rịch được nối lại dù hoạt động khai thác dầu vẫn còn hạn chế do thế bế tắc chính trị liên quan tới ngân hàng trung ương nước này và nguồn thu từ dầu lửa. Mối lo về nguồn cung dầu từ Libya - một thành viên OPEC - gián đoán đã có thời điểm đẩy giá dầu tăng. Bởi vậy, khi nguồn cung dầu từ nước này được nối lại, sức ép giảm giá dầu cũng quay trở lại.
Link gốc