• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.268,96 +2,05/+0,16%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:25:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.268,96   +2,05/+0,16%  |   HNX-INDEX   229,12   -0,20/-0,09%  |   UPCOM-INDEX   97,38   +0,58/+0,59%  |   VN30   1.336,84   +1,16/+0,09%  |   HNX30   470,78   -0,95/-0,20%
13 Tháng Hai 2025 1:26:08 CH - Mở cửa
Tìm ‘cơn gió thuận’ cho ngành hàng nông sản Việt
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 13/02/2025 8:20:00 SA

Bức tranh thương mại toàn cầu trong hơn 40 ngày đầu của năm 2025 được bao phủ bằng lớp "sương mù" với các yếu tố bất định như sức mua giảm, giá giảm, chính sách thuế quan mới của Mỹ, nguy cơ thương chiến hiện hữu, gia tăng hàng rào kỹ thuật... Để ngành hàng nông sản Việt tránh khỏi tác động tiêu cực, điều quan trọng là cần thấy được “cơ trong nguy” và tìm “cơn gió thuận” giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. 

Trước tình hình giá xuất khẩu (XK) gạo hiện tại giảm sâu từ 150-260 USD/tấn (tuỳ loại), rủi ro có thể xảy đến với những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo nếu như vẫn tập trung vào một số ít thị trường mua với số lượng lớn. Chính vì vậy, để ứng phó với tình hình giá gạo đi xuống và tăng sức cạnh tranh đang cần các DN xuất khẩu đa dạng thị trường.

Vượt qua “cơn gió nghịch”

Điều này cũng còn tùy thuộc vào năng lực của bản thân DN. Đứng ở góc độ một DN chuyên XK gạo chất lượng cao, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng để mở rộng khách hàng mới, thị trường mới thì sản phẩm phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn riêng và nhu cầu riêng của từng thị trường đó. 

Các DN chế biến nông sản xuất khẩu cần thấy và tận dụng được cơ hội trong nguy nan giữa nhiều yếu tố bất định như hiện nay.

Hơn thế nữa, theo ông Bình, để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường khác nhau thì việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam bài bản, chứng minh chất lượng là cực kỳ quan trọng.

Cần lưu ý, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) năm 2025, giá gạo toàn cầu được dự báo sẽ giảm do nguồn cung dồi dào từ các quốc gia sản xuất lớn và điều kiện thời tiết thuận lợi. Chưa kể, thời tiết chuyển từ El Niño sang La Niña dự kiến sẽ mang lại điều kiện thuận lợi hơn cho các vùng trồng lúa của Việt Nam, góp phần tăng năng suất và nguồn cung. Đồng thời, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm XK gạo của Ấn Độ góp phần vào dự đoán tăng XK gạo toàn cầu lên 56,3 triệu tấn vào năm 2025. Sự thay đổi chính sách này dự kiến sẽ tăng nguồn cung toàn cầu.

Từ dự báo như vậy rất cần các DN xuất khẩu gạo tiếp tục theo dõi sát trong thời gian tới để linh hoạt thích ứng nhằm tránh các tác động tiêu cực, cũng như tạo năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn để có đà tăng trưởng tốt trong năm nay.

Không riêng gì ngành lúa gạo, với ngành hàng nông lâm thủy sản nói chung, bức tranh thương mại toàn cầu trong hơn 40 ngày đầu của năm 2025 được bao phủ bằng lớp sương mù với các yếu tố bất định (như sức mua giảm, giá giảm, chính sách thuế quan mới của Mỹ, nguy cơ thương chiến hiện hữu…) là cả một thách thức lớn.

Vấn đề đặt ra là các DN trong ngành hàng này cần làm gì để vượt qua những “cơn gió nghịch” này, rồi có thấy được “cơ trong nguy” hay không, cũng như tìm kiếm “cơn gió thuận” như thế nào?

Chẳng hạn như CTCP tập đoàn PAN - một DN lớn trong ngành hàng nông lâm thủy sản, trong thượng tuần tháng 2/2025, tại cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư để bàn về triển vọng năm 2025, vẫn tự tin về doanh thu dự kiến của mảng nông nghiệp sẽ tăng 15-20% so với năm 2024. 

Đơn cử như mảng giống cây trồng và gạo tại đơn vị thành viên của công ty này là Vinaseed kỳ vọng năm nay sẽ mở rộng thêm thị phần nhờ các giống lúa chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng và khai thác các sản phẩm bản quyền mới có biên lợi nhuận tốt.

Hay như ở mảng thủy sản, việc đa dạng hóa thị trường XK để giảm thiểu rủi ro cũng được tính tới. Một đơn vị thành viên của PAN là CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt kế hoạch năm nay tiếp tục XK sản phẩm tôm chế biến đến Nhật Bản, EU nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẵn có của Việt Nam. Ngoài ra, FMC đang tăng cường XK sang Mỹ để trở thành bị đơn bắt buộc trong vụ kiện Chống bán phá giá PR20, kỳ vọng có lợi thế hơn trong việc chứng minh tôm Việt không bán phá giá với Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Vừa qua Khang An Foods (thành viên của FMC) đã nhận đơn hàng rất lớn từ Costco (Mỹ), tạo động lực tăng trưởng tích cực cho FMC trong năm 2025. Còn một đơn vị khác của PAN là CTCP xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) năm nay sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng sản phẩm cá tra chế biến vào thị trường Nhật Bản.

Thấy cơ hội trong nguy nan

Ngoài ra, phía PAN vẫn đang theo dõi sát các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và dự phóng phù hợp cho năm 2025.

Về chính sách thuế quan mới của Mỹ hay bất ổn thương mại Mỹ - Trung, việc tìm kiếm cơ hội trong thách thức là điều rất cần thiết, như với ngành thủy sản. Theo chia sẻ của bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), vẫn có cơ hội cho Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ.

Bởi lẽ, các DN Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc. Ngoài ra, các DN Mỹ và cả các thị trường khác như Nhật Bản, Canada…cũng sẽ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản ở Việt Nam để XK sang Mỹ. 

“Đây là cơ hội tốt cho các DN thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên khuyến nghị các DN luôn đảm bảo tốt chất lượng và quy trình sản xuất, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc phải minh bạch. Việc tuân thủ các quy định về xuất xứ, đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và hợp tác với các cơ quan chức năng sẽ giúp DN duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ được uy tín trên thị trường quốc tế”, bà Lê Hằng nhấn mạnh.

Cơ hội có thể thấy rõ như với mặt hàng cá tra Việt có thể thay thế phần lớn thị phần cá rô phi của Trung Quốc trong năm 2025 do thuế quan với Mỹ. Việc Hoa Kỳ áp thuế bổ sung 10% đối với nhập khẩu từ Trung Quốc có thế khiến giá cá rô phi của Trung Quốc tiếp tục tăng, điều này có thể làm giảm nhu cầu của Hoa Kỳ. Do vậy, dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra Việt. 

Riêng với ngành hàng rau quả, một thách thức cho mục tiêu đạt kim ngạch XK 8 tỷ USD trong năm nay là Trung Quốc và nhiều thị trường khác là nâng tiêu chuẩn nhập khẩu. Chẳng hạn như Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Còn Châu Âu tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật (cấm 36 hoạt chất) trên nhiều loại trái cây từ 10% lên 20% 

Khi mà mỗi quốc gia đều dựng lên một hàng rào kỹ thuật khác nhau, để vượt qua vấn đề này, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho rằng điều cần thiết là các DN xuất khẩu rau quả phải tuân thủ tốt các quy định và làm tốt công nghệ bảo quản. Hơn nữa, việc mở cửa thị trường thông qua sự phối hợp đàm phán kiên trì của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương với mỗi năm có thêm một số loại trái cây mới XK chính ngạch sẽ giúp cho DN có được cơ hội để đa dạng thị trường XK ngày càng tốt hơn.

Xét chung, thay vì bị động trước những “cơn gió nghịch” từ các yếu tố bất định trên thị trường toàn cầu trong năm 2025 này, để ngành hàng nông sản Việt có được đà tăng trưởng tốt đang cần các DN tìm ra các “cơn gió thuận” và thấy được, tận dụng được cơ hội trong nguy nan.

 Thế Vinh-Link gốc