Theo chuyên gia Lê Văn Tuấn, trong thực tế sẽ có nhiều khoản tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân với các mục đích khác nhau. Người nộp thuế (NNT) cần lưu ý tách bạch nhằm dễ dàng xác định nghĩa vụ thuế, tránh rủi ro pháp lý thuế
Thực trạng hiện nay, với nhiều người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh có các khoản tiền chuyển vào – chuyển ra với nhiều mục đích khác nhau, có thể chưa rõ ràng, tiềm ẩn các rủi ro về thuế hoặc truy thu nghĩa vụ thuế.
Trả lời Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas cho biết, có nhiều khoản tiền khi chuyển vào tài khoản cá nhân có thể phát sinh nghĩa vụ thuế và rủi ro truy thu thuế.
Thứ nhất là khoản tiền thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc có tính chất tiền lương, tiền công từ các tổ chức, cá nhân chi trả. Theo quy định hiện tại, khoản tiền này đã được phía tổ chức chi trả thực hiện khấu trừ thuế theo bậc luỹ tiến từng phần hoặc khấu trừ 10% trước khi trả thu nhập.
.png)
Chuyên gia Lê Văn Tuấn
Tuy nhiên, có một số khoản thu nhập khác như thu nhập từ làm freelancer, làm việc tự do… nhưng chưa được khấu trừ và kê khai thuế. Điều này có thể xảy ra khi công ty để ngoài sổ sách, không thực hiện khấu trừ thuế trước khi chi trả thu nhập, dẫn đến việc không nộp khoản thuế theo quy định cho Cơ quan thuế.
Đặc biệt, ông Tuấn lưu ý các khoản thu nhập từ các công ty nước ngoài chưa thực hiện khấu trừ, hoặc có thể đã thực hiện khấu trừ thuế bên nước ngoài, nhưng việc thực hiện chưa đúng. Mặc dù nhận thu nhập từ nước ngoài, nhưng là công dân Việt Nam, cư trú hợp pháp tại Việt Nam, vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
“Nếu người nộp thuế nhận thu nhập từ nước ngoài thì vẫn phải kê khai đầy đủ, trung thực”, ông Tuấn đưa ra lời khuyên. Bởi vì, theo quy định hiện tại, đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
Nếu chưa thực hiện kê khai trong năm, thì tại thời điểm cuối năm khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế mà thu nhập lớn, cơ quan thuế sẽ tính theo luỹ tiến bậc cao, có thể tối đa 35%. Do đó, rất nhiều người nộp thuế đã bị truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền lớn, do tổng thu nhập cộng lại từ nhiều nguồn khác nhau để tính thuế cả năm, sẽ thuộc bậc thuế suất lũy tiến cao.
Thứ hai, các khoản thu nhập từ dòng tiền kinh doanh, có nghĩa là cung cấp hàng hoá, dịch vụ dưới danh nghĩa hộ kinh doanh. Trong tình huống này sẽ có dòng tiền bán hàng, dòng tiền cung cấp dịch vụ, và cũng có tiền chi ra để mua hàng hoá, dịch vụ.
Dòng tiền này được cơ quan thuế xem là dòng tiền kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh và nghĩa vụ thuế được thực hiện với mức nộp là 1,5% doanh thu đối với buôn bán hàng hoá, 4,5% doanh thu đối với sản xuất, dịch vụ ăn uống hoặc 7% doanh thu đối với một số dịch vụ khác.
Nếu hộ, cá nhân kinh doanh chưa nộp thuế hoặc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định, thì cần thực hiện nộp thuế bổ sung ngay khi có thể. Việc chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ thuế có thể dẫn đến việc bị truy thu, tính lãi chậm nộp.
Thứ ba, là dòng tiền gián tiếp tạo ra thu nhập cho cá nhân người nộp thuế. Ví dụ như có nhiều cá nhân NNT nhận chuyển khoản hộ đến tài khoản của người khác, sau đó thu tiền phí, hoa hồng theo thoả thuận. Như vậy, lúc này nghĩa vụ thuế sẽ được tính trên phần hoa hồng mà cá nhân đó được hưởng. Số thuế phải nộp cho trường hợp này theo quy định là 7% trên tổng tiền phí người nộp thuế nhận được.
“Người nộp thuế phải đảm bảo các thủ tục, chứng từ cần thiết vì bản chất là thu hộ - chi hộ, tổng dòng tiền không phát sinh thuế nhưng phí nhận được khi thu hộ - chi hộ được tính là thu nhập”, ông Tuấn nêu rõ .
.png)
Chuyên gia khuyên rằng, cá nhân, hộ kinh doanh nên tách bạch dòng tiền nhằm dễ dàng xác định nghĩa vụ thuế, tránh rủi ro pháp lý
Cuối cùng, dòng tiền cá nhân không liên quan đến hoạt động kinh doanh của người nộp thuế, đương nhiên sẽ không tính thuế dù cá nhân có chuyển khoản số tiền vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng.
Do đó, ông Lê Văn Tuấn khuyên rằng, nếu người nộp thuế là hộ kinh doanh thì nên tách riêng tài khoản cá nhân và tài khoản kinh doanh nhằm tách bạch dòng tiền. Tài khoản cá nhân chỉ để chi tiêu cá nhân, gia đình hàng ngày, không liên quan đến kinh doanh. Còn với hoạt động kinh doanh, nên sử dụng riêng một tài khoản khác để sau này xác định nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn, tránh rủi ro pháp lý về thuế.
Ông Tuấn nêu quan điểm, Cơ quan thuế có thể không đủ nguồn lực để kiểm soát toàn bộ dòng tiền của các cá nhân, hộ kinh doanh nhưng khi thấy số tiền phát sinh lớn, hoặc số lượng giao dịch nhiều một cách bất thường, họ có quyền yêu cầu người nộp thuế giải trình các khoản tiền, đâu là dòng tiền cá nhân, đâu là dòng tiền kinh doanh…
“Cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng muốn xác minh một người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì họ phải có bằng chứng cho việc đó. Tuy nhiên, chính bản thân người nộp thuế cũng cần phải sẵn sàng để giải trình các giao dịch khi Cơ quan thuế yêu cầu”, ông Tuấn kết luận.
Xuân Thạch-Link gốc