Số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 9/5 cho thấy một bức tranh phức tạp, với lương của người lao động tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp do lạm phát và chi tiêu tiêu dùng vượt kỳ vọng.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này, vốn đang phải đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan và sự bất ổn của chính sách tiền tệ.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, lương thực tế, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, một chỉ số quan trọng phản ánh sức mua của các hộ gia đình, trong tháng 3/2025 đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp sau mức giảm 1,5% (đã điều chỉnh) trong tháng 2/2025 và 2,8% trong tháng 1/2025.
Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sử dụng để tính lương thực tế, bao gồm giá thực phẩm tươi sống nhưng không tính chi phí thuê nhà, vẫn ở mức cao, trong tháng 3/2025 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số này có giảm nhẹ so với mức tăng 4,3% của tháng 2/2025, nhưng chi phí thực phẩm tăng cao vẫn là gánh nặng lớn.
Lương cơ bản tăng 1,3% trong tháng 3/2025, tương đương với tháng 2/2025. Tuy nhiên, đáng chú ý là tiền lương làm thêm giờ đã giảm 1,1%, sau khi tăng 2,4% sau khi được điều chỉnh trong tháng 2/2025. Đây là lần đầu tiên lương làm thêm giờ giảm kể từ tháng 9/2024 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2024, cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn về sự suy yếu trong hoạt động kinh doanh.
Tổng thu nhập tiền mặt trung bình (lương danh nghĩa) tăng 2,1% lên 308.572 yen (khoảng 2.132 USD) trong tháng 3/2025, chậm hơn so với mức tăng 2,7% được điều chỉnh của tháng trước.
Mặc dù các công ty lớn của Nhật Bản đã đồng ý tăng lương hơn 5% trong các cuộc đàm phán lương mùa Xuân, song tác động của việc này thường chỉ được phản ánh trong dữ liệu lương của chính phủ từ tháng Tư trở đi.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm của tiền lương, dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông cho thấy chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 3/2025 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,2% của thị trường. So với tháng trước, chi tiêu tăng 0,4%.
Một quan chức Bộ Nội vụ và Truyền thông cho biết việc tăng chi tiêu cho các tiện ích và giải trí đã thúc đẩy số liệu chung, đồng thời có những dấu hiệu cho thấy tiêu dùng đã phục hồi trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng lưu ý rằng người tiêu dùng vẫn đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm do giá cả tăng cao.
Chính phủ Nhật Bản cuối tháng 4/2025 đã công bố một gói các biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm ứng phó những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan cao hơn của Mỹ, trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại song phương thứ hai dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba xác nhận chính phủ đã quyết định triển khai gói biện pháp này để giúp giảm bớt khó khăn cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình do ảnh hưởng từ những mức thuế quan sâu rộng của Mỹ.
Ông Ishiba đã chỉ đạo các thành viên Nội các nỗ lực tối đa để hỗ trợ các công ty và những hộ gia đình đang lo lắng về tác động của thuế quan. Ông cho biết thêm các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể gây tổn hại cho những ngành công nghiệp như ô tô và thép, vốn là các ngành nền tảng của nền kinh tế Nhật Bản.
Gói cứu trợ này bao gồm các biện pháp chính như: tăng cường hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, trợ cấp để giảm 10 yen (khoảng 0,07 USD) mỗi lít giá xăng và dầu diesel, đồng thời bù đắp một phần hóa đơn tiền điện trong ba tháng kể từ tháng 7/2025. Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng phạm vi các khoản vay lãi suất thấp cho những công ty nhỏ hơn bắt đầu từ tháng tới.
Các nhà kinh tế dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu tiên của Nhật Bản sẽ sụt giảm.
Minh Hằng-Link gốc