Việc mở rộng nhập khẩu gạo và thịt bò từ Mỹ cũng là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia khác.
Hàn Quốc tránh nêu vấn đề mở cửa thị trường gạo, thịt bò trong đàm phán thương mại với Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp bộ trưởng kinh tế đối ngoại ngày 22/7, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định không đưa vấn đề mở cửa thị trường gạo và thịt bò làm "quân bài đàm phán" trong vòng tham vấn thương mại với Mỹ vào ngày 25/7 tới.
Trong suốt quá trình đàm phán vừa qua, việc mở rộng nhập khẩu gạo và cho phép nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi từ Mỹ được nhắc đến như một phương án đàm phán chính ở lĩnh vực nông sản. Tuy nhiên, sau khi xem xét tới tác động về mặt kinh tế đến các hộ nông dân, chăn nuôi và mức độ nhạy cảm của vấn đề này, Chính phủ đã xác lập "lằn ranh đỏ" với hai mặt hàng trên.
Việc mở rộng nhập khẩu gạo và thịt bò từ Mỹ cũng là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia khác. Đối với mặt hàng gạo, Hàn Quốc đang áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) với mức thuế thấp đối với 5 quốc gia gồm Mỹ, Trung Quốc, Australia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, lượng gạo phân bổ hạn ngạch cho Mỹ đạt 132.304 tấn, tương đương 32%. Để tăng lượng nhập khẩu từ Mỹ và giảm lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác, Hàn Quốc phải được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp thuận. Trong trường hợp chỉ tăng riêng cho Mỹ, cần có sự phê chuẩn của Quốc hội theo Luật thủ tục thương mại.
Đối với mặt hàng thịt bò, Luật phòng chống dịch bệnh gia súc quy định cấm nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi từ các quốc gia từng bùng phát bệnh bò điên trong vòng 5 năm gần nhất. Nếu Hàn Quốc cho phép nhập khẩu loại thịt bò này trong quá trình đàm phán với Mỹ sẽ có thể gây ra khó khăn trong các cuộc đàm phán thương mại với các nước khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU).
Thay vào đó, nếu buộc phải sử dụng mở cửa thị trường nông sản làm "quân bài đàm phán", Chính phủ Hàn Quốc được cho là đang xem xét mở rộng nhập khẩu các loại nông sản dùng làm nhiên liệu, như ngô dùng để sản xuất ethanol sinh học, không tác động lớn tới an ninh lương thực. Về việc Mỹ yêu cầu cho phép nhập khẩu táo và khoai tây biến đổi gen, Hàn Quốc hiện đang mở cửa thị trường này, nên có thể nhập khẩu sau khi trải qua quá trình đánh giá khoa học và các thủ tục liên quan. Đối với đàm phán về kiểm dịch nông sản, chỉ cần tiến hành đánh giá nguy cơ lây lan sâu bệnh và xây dựng các biện pháp quản lý tương ứng.
Hàn Quốc hiện chủ yếu nhập khẩu ngô và đậu tương biến đổi gen dùng làm thức ăn chăn nuôi. Loại khoai tây biến đổi gen dùng làm thực phẩm của công ty Simplot (Mỹ) đã được Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA) đánh giá là “phù hợp” vào tháng Ba vừa qua, hiện chỉ còn chờ quy trình kiểm tra an toàn của Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS).
Theo các cơ quan thương mại và truyền thông quốc tế, Indonesia và Nhật Bản đã đưa vấn đề mở rộng thị trường nông sản làm "quân bài đàm phán" thuế quan với Mỹ. Indonesia đã đồng ý miễn thuế đối với ô tô, nông sản và dược phẩm nhập khẩu từ Mỹ, đổi lại được Mỹ hạ thuế đối ứng từ 32% xuống 19%. Tokyo cũng quyết định mở cửa thị trường gạo và một số nông sản để được Washington hạ thuế đối ứng từ 25% xuống 15%.
Đoàn Hùng-Link gốc