Tóm tắt:
|
1) Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng trong 11 tháng đầu năm, trong bối cảnh thách thức bên ngoài gia tăng. Sản xuất và tiêu dùng cải thiện hơn, nhờ nhu cầu tăng vào dịp lễ cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, Chỉ số PMI sản xuất đạt trên ngưỡng 50 điểm vào tháng 11, cho thấy sự cải thiện tháng thứ hai liên tiếp về điều kiện kinh doanh. Đà tăng trưởng tiêu dùng được cải thiện vào tháng 11 (+8,8% YoY), nhờ vào mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm và du lịch tiếp tục phục hồi.
2) Chính phủ đặt mục tiêu đầy tham vọng cho tăng trưởng GDP là 6,5−7% và phấn đấu đạt 7−7,5% cho năm 2025 và 7,5−8,5%/năm cho giai đoạn 2026– 2030. Bên cạnh đó, nhiều dự thảo luật quan trọng được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, kỳ vọng sẽ hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Chúng tôi tin rằng sự phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục duy trì, nhờ vào đẩy mạnh đầu tư công và tiêu dùng hồi phục, trong khi xuất khẩu, sản xuất, thu hút FDI giữ đà tăng trưởng.
3) Lạm phát của Việt Nam tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, với CPI bình quân 11 tháng đầu năm tăng 3,7% YoY, trong khi CPI lõi vẫn ổn định ở mức 2,7% YoY. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát tốt, mặc dù cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố trong những tháng tới, bao gồm tăng trưởng tín dụng nhanh hơn và giá lương thực có thể tăng trong dịp Tết sắp tới.
4) Tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng tốc, ước đạt +11,9% YTD (+16,6% YoY) tính đến cuối tháng 11. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Tăng trưởng tín dụng năm 2025 kỳ vọng tăng trưởng, trong bối cảnh đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và ngành bất động sản khởi sắc hơn nữa. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
|