Cty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã cổ phiếu HNG) niêm yết toàn bộ hơn 708 triệu cổ phiếu trên sàn vào ngày 20/7/2015. Sức hút của cổ phiếu này có thực sự là “khủng” như thị trường đồn đoán ?
Theo Cty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI) – đơn vị tư vấn cho HNG niêm yết trên sàn, với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 28.000 đồng, biên độ dao động giá trong ngày đầu tiên là +/-20%, HNG được định giá vốn hóa ở mức hơn 19.800 tỷ đồng, tương đương 909 triệu USD. Trong khi đó, vốn hóa của Cty mẹ Hoàng Anh Gia Lai hiện chỉ ở mức 14.455 tỷ đồng, thấp hơn 27% so với HNG.
Vốn “khủng”
Chưa dừng tại đo, ngay trong năm 2015, HNG đang lên kế hoạch gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận. Chính vì vậy, năm 2015 HNG đặt kế hoạch doanh thu là 6.174 tỷ đồng, tăng 179% và lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 1.500 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2014. Vậy HNG có gì đặc biệt?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2014, HNG đạt 2.212 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 759 tỷ đồng. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2014 lần lượt là 16.971 tỷ đồng và 6.868 tỷ đồng (vốn điều lệ khi đó là 3.991 tỷ đồng).
HNG hoạt động trên lãnh thổ 3 nước VN, Lào và Campuchia với các ngành nghề chính là trồng và chế biến mủ cao su; trồng và chế biến thô dầu cọ; trồng và chế biến mía đường cùng các sản phẩm phụ; trồng bắp và chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Hoạt động trong ngành nông nghiệp, HNG có lợi thế lớn nhất là quỹ đất lớn đã được triển khai lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt rộng khắp, giúp lĩnh vực trồng trọt có năng suất cao so với mức bình quân trong ngành. Hiện chính phủ 3 nước đã cấp phép cho HNG sử dụng và khai thác khoảng 88.000 ha đất để triển khai các dự án với thời hạn thuê 50 năm tại VN và Lào, 70 năm tại Campuchia.
Tính đến quý 1/2015, doanh thu của HNG đến từ cao su, mía đường, bắp, kinh doanh hàng hóa, kinh doanh căn hộ, hoạt động khác (thanh lý vườn cây cao su). Trong đó, mía đường là mảng đem lại doanh thu lớn nhất. Dầu cọ và chăn nuôi bò chưa được ghi nhận doanh thu.
Về mảng cao su, tính đến 31/12/2014, HNG đã trồng được 38.428 ha cao su trong đó 24.563 ha tại Lào, 2.394 ha tại VN và 11.471 ha tại Campuchia. Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2014 là 52%.
Tại mảng trồng bắp, năm 2014 là năm đầu tiên HNG có doanh thu từ bắp với con số 205 tỷ đồng. Năm 2015, Cty triển khai trồng 3.000 ha, trồng 2 vụ/năm và mục tiêu năng suất 10 tấn/ha/vụ, tuy nhiên bắp không nằm trong kế hoạch lợi nhuận của Cty do được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi trong Tập đoàn.
“Nồi cơm” chính là mía đường
Hiện tại, HNG đã hoàn tất đầu tư cụm mía đường tại huyện Samakhixay và Phouvong, tỉnh Attapeu (Campuchia) với tổng vốn đầu tư gần 70 triệu USD và đưa vào vận hành tháng 2/2013. Đến tháng 12/2014, diện tích mía thu hoạch được tại Attapeu của HNG là 8.000 ha nhưng HNG dự định giảm diện tích xuống 6.000 ha để phù hợp với công suất của nhà máy đường. 2.000 ha cắt giảm sẽ phục vụ cho lĩnh vực chăn nuôi bò thịt. Đây là mảng đem lại doanh thu và lợi nhuận gộp lớn nhất cho HNG với tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2014 là 54%.
Riêng mảng xây dựng hiện đang đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận gộp lớn thứ 2 cho HNG là hoạt động xây dựng dự án sân bay quốc tế Nong Khang, tỉnh Hủa Phăn, Lào từ năm 2013.
Về mảng chăn nuôi, đến tháng 6/2015, HNG đã nhập khẩu 86.700 con bò về các trang trại nhưng lượng bò nuôi để sinh sản tạo lượng bò thịt trong tương lai mới chiếm có 10% số lượng bò. Còn lại là bò thịt để nuôi vỗ béo, dự kiến sẽ được tiêu thụ hết trong năm 2015. Mảng chăn nuôi bò sẽ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận từ năm 2015.
Trong kế hoạch sắp tới, HNG sẽ phát triển diện tích trồng cọ chủ yếu tại Campuchia với quy mô lên tới 30.000 ha. Cty sẽ hoàn tất việc trồng cọ dầu vào năm 2015 và tạo ra doanh thu từ năm 2016, nhưng do diện tích khai thác còn ít nên tỷ trọng doanh thu hiện chỉ chiếm 1%.
Đối mặt với rủi ro không nhỏ
Theo ông Nguyễn Chính Hải – Chuyên viên kiểm toán KPMG, là Tập đoàn Nông nghiệp hoạt động trên 3 nước Đông Dương trong các lĩnh vực và tại các quốc gia khác nhau nên sản phẩm của HNG có liên hệ nhiều đến giá hàng hóa thế giới. Do vậy, hoạt động và hiệu quả kinh doanh của HNG sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ các nhân tố sau: Trước hết về mặt kinh tế: Đó là sản phẩm của HNG được tiêu thụ tại các thị trường mà HNG có cơ sở trồng trọt, sản xuất. Bên cạnh đó, 2 sản phẩm cao su và dầu cọ có thể được xuất khẩu đến các thị trường khác và đương nhiên sẽ chịu biến động giá theo thị trường.
Về lãi suất, hiện nay HNG đầu tư phát triển các dự án với xấp xỉ 50% cơ cấu vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Giai đoạn kiến thiết ban đầu thường kéo dài từ ba đến năm năm khi dự án có thể thu về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Lãi suất ngân hàng thấp sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, áp lực trả lãi vay và tăng hiệu quả đầu tư và lợi nhuận của Cty. Nhưng ngược lại, chi phí lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí đầu tư ban đầu khi vốn hóa lãi vay vào vườn cây và các tài sản cố định khác, làm tăng chi phí khấu hao phân bổ khi các dự án đi vào khai thác, làm giảm hiệu quả lợi nhuận của dự án.
Ngoài ra chi phí lãi vay cao hơn còn có thể tăng áp lực lên dòng tiền của HNG trong giai đoạn đầu tư cơ bản và ảnh hưởng trực tiếp khả năng tiếp cận nguồn vốn vay mới của Cty… Điều này sẽ làm chậm quá trình đầu tư dự án mới hoặc giảm hiệu quả đầu tư của dự án mới do lãi suất áp dụng đối với khoản vay mới có thể cao hơn các khoản vay trước đó.
Được biết, giai đoạn 2015 đến 2017, doanh thu và lợi nhuận của HNG theo kế hoạch sẽ có sự dịch chuyển cơ cấu sang mảng chăn nuôi. Chăn nuôi bò đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vốn vay ngắn hạn cho hoạt động chăn nuôi bò thịt nuôi vỗ béo và vốn vay dài hạn cho việc đầu tư đàn bò sinh sản. Như vậy, chi phí lãi vay cao sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, và làm chậm kế hoạch phát triển đàn bò sinh sản, làm giảm sự chủ động của HNG đối với nguồn cung ứng bò thịt nuôi vỗ béo.
Về tỷ giá. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, HNG còn đối mặt với rủi ro về tỷ giá. Hiện nay hoạt động kinh doanh của HNG phát sinh giao dịch bằng các đơn vị tiền tệ khác nhau do HNG hoạt động trên ba quốc gia, các chi phí tại mỗi quốc gia được thanh toán bằng đồng nội tệ. Tỷ giá các đồng tiền dùng trong giao dịch chính tại Lào và Campuchia có thể tăng lên so với VND, làm tăng chi phí hoạt động đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả lợi nhuận của HNG.
Phần lớn các sản phẩm cao su và cọ dầu của HNG dự kiến sẽ tiêu thu tại thị trường nước ngoài và được giao dịch bằng USD. Tỷ giá VND tăng lên so với đồng USD, dẫn đến doanh thu xuất khẩu cao su và cọ dầu quy đổi sang VND sẽ giảm xuống. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, giai đoạn đầu HNG nhập khẩu số lượng lớn bò sữa và bò thịt từ Úc, và tiêu thụ nội địa, chi phí nhập bò được thanh toán bằng USD, trong khi doanh thu lại tính bằng VND. Do vậy, với chính sách tỷ giá luôn biến động sẽ ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu bò dẫn đến giảm biên lợi nhuận của HNG trong tương lai, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Hà Phương
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.