Theo CTCK MB (MBS), lợi suất từ thị trường tài chính tiêu dùng sẽ hỗ trợ tích cực cải thiện NIM của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB, VPBank) lên 9,42% trong năm 2018.
Mức độ thâm nhập thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam khá thấp, sự thuận lợi của các quy định pháp lý hiện tại cũng như vị trí thống trị của FE Credit, MBS cho rằng VPBank có thể vẫn chiếm lĩnh thị trường ngách này trong ngắn hạn, đóng góp 27% vào tổng các khoản cho vay năm 2018 của ngân hàng, tăng trưởng 39%.
NIM của VPBank tiếp tục tăng thêm 0,55% nhờ vào: (i) Lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng rất cao. (ii) Chi phí vốn vẫn không đổi nhờ vào việc lãi suất giảm nhẹ để kích cầu nền kinh tế và chi phí vốn thấp từ thị trường liên ngân hàng. (iii) Giảm tỷ trọng trái phiếu chính phủ trong danh mục đầu tư đồng thời gia tăng trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao hơn, từ đó tăng thu nhập lãi.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng của VPBank cũng đến từ đa dạng hóa các kênh cho vay (Cho vay bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, tín dụng tiêu dùng và CMB & CIB). MBS tin rằng động lực cho tăng trưởng tín dụng sẽ không chỉ đến từ tăng trưởng tín dụng của FE Credit mà còn từ những kênh cho vay khác của ngân hàng mẹ. Theo đó, MBS dự phóng tốc độ tăng trưởng tín dụng ở thị trường 1 sẽ tăng 26% vào năm 2018. Từ đó, lợi nhuận của VPB sẽ gia tăng nhờ đóng góp thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập họat động, chiếm 20,2% cơ cấu (tăng 53% so với cùng kỳ nhờ vào dư địa của thị trường Bancassurance (hợp đồng độc quyền 15 năm với AIA), ngân hàng số Timo, phục vụ tập trung khách hàng, bảo lãnh thương mại, các hợp đồng L/C và dịch vụ ngoại hối với các đối tác thương mại chiến lược nước ngoài.
VPBank là một ngân hàng có quy mô tài sản trung bình nhưng hoạt động hiệu quả rất cao. MBS dự đoán ROEA vẫn giữ vững ở mức 25% vào năm 2018 nhờ vào tốc độ tăng trưởng doanh thu hoạt động cao hơn so với tăng trưởng chi phí hoạt động, CIR giữ ở mức thấp nhất 34% trong khi doanh thu hoạt động tăng 33% n/n. Ngân hàng đạt được ROEA ở mức cao 27,5% vào năm 2017, tăng từ mức 25,7% vào năm 2016, đây là tỷ lệ cao nhất trong toàn ngành trong suốt 2 năm liên tiếp.
MBS dự báo, năm 2018, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 10.379 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước. Lãi ròng 8.303 tỷ đồng, tăng trưởng 29%.
Trong quý I, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 2.618 tỷ đồng tăng 36% và đóng góp 25,2% lợi nhuận dự phóng. Tăng trưởng thu nhập chủ yếu đến từ khoảng tăng đột biến của thu nhập ngoài lãi 183% và tăng trưởng thu nhập lãi 24,8% so với cùng kỳ. Tín dụng thị trường 1 tăng 3,4% so với thời điểm cuối 2017 và MBS cũng nhận thấy tỷ lệ nợ xấu đã tăng nhẹ lên mức 4,1% đến từ khoảng tăng nợ xấu của cả ngân hàng mẹ và FE Credit.
TRÂM ANH
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.