Thời gian gần đây, CTCP Sara Việt Nam (mã: SRA) là doanh nghiệp gây sự chú ý khi tăng đột biến cả về thị giá cổ phiếu lẫn lợi nhuận từ khi chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, cổ phiếu SRA tăng một mạch từ đáy 9.300 đồng/cp (phiên 26/7) lên 77.200 đồng/cp (phiên 5/9). Hiện SRA đã ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp về mức giá 50.800 đồng/cp nhưng vẫn là mức tăng đột biến so với vùng giá đáy.
Cổ phiếu còi, vụt hóa… to
Quay trở lại thời điểm cách đây 8 năm, cổ phiếu SRA giao dịch quanh khoảng giá từ 15.000 đồng – 30.000 đồng/cp, tên tuổi doanh nghiệp này cũng chưa có gì nổi bật, thậm chí “chìm nghỉm” trong hàng trăm cái tên khác.
Năm 2011, doanh thu của Sara Việt Nam bứt phá, đạt 21 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chỉ là “tí hon” vài triệu đồng. Tình hình kinh doanh trở lên bi đát hơn vào năm 2012 khi công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng, doanh thu đạt 200 triệu đồng.
Tình trạng giảm doanh thu, lãi èo uột kéo dài nhiều năm sau đó, kéo thị giá cổ phiếu về mức quanh 10.000 đồng/cp, thậm chí có lúc rơi xuống mức 2.000 – 3.000 đồng/cp và dần rơi vào tình trạng bị “lãng quên”.
Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, các cổ đông của Sara Việt Nam đã có thể ăn mừng khi thời gian qua cổ phiếu SRA tăng trần liên tiếp, kéo theo giá cổ phiếu tăng từ ngưỡng 9.300 đồng/cp lên hơn 77.000 đồng/cp , tương ứng mức tăng 8,3 lần chỉ trong hơn một tháng.
Thị giá cổ phiếu tăng kéo theo thanh khoản của SRA cũng có sự chuyển biến đáng kể, từ một cổ phiếu chỉ giao dịch vài nghìn đơn vị mỗi phiên đến nay đã chạm mốc trăm nghìn, thậm chí có phiên đạt mức 110.000 đơn vị.
Từ một cổ phiếu “bé hạt tiêu”, SRA đã vươn lên sánh vai cùng những “ông lớn” như PLX, VCB, NVL… thậm chí vượt qua các đại gia ngân hàng như CTG, BID, VPB… về thị giá.
Đáng chú ý, Sara Việt Nam trở thành doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường với con số 14.393 đồng, bỏ xa các doanh nghiệp khác.
Thông thường, những cổ phiếu có EPS cao thường chia cổ tức cao, điển hình như VCF năm ngoái đã chia cổ tức 660% hay TV2 chia ở mức 110%… Đây có thể xem như phần thưởng cho việc đầu tư vào nhóm doanh nghiệp này.
Ngay cả khi chỉ là nhà đầu tư lướt sóng, không quá quan tâm nhiều đến cổ tức, SRA cũng đã mang lại khoản lợi nhuận “khủng” vài chục phần trăm cho tài khoản của nhóm đầu tư này.
Hiện, SRA đã điều chỉnh giảm sàn 4 phiên liên tiếp và đang giao dịch tại mức giá 50.800 đồng/cp, tương đương mức giảm 34,2%.
Không rõ đà giảm sàn này của SRA là theo lẽ tự nhiên cần phải điều chỉnh sau một thời gian tăng nóng hay thuộc nhóm cổ phiếu đang được các “đội lái” làm giá, nhưng SRA vẫn mang lại một khoản lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ trước đó.
Mức tăng chóng mặt của SRA có thể coi là khá lạ, là “con sóng vàng” trên thị trường chứng khoán Việt. Vì sao SRA trở thành hiện tượng của sàn chứng khoán, đã có rất nhiều câu trả lời được giới đầu tư đưa ra.
Có thể do quy luật cung cầu của thị trường, cũng có thể là kế hoạch tăng vốn khủng từ 20 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, kết quả kinh doanh khả quan sau khi chuyển hướng sang ngành vật tư y tế.
Câu chuyện đến nay vẫn chưa được tỏ tường nhưng không thể phủ nhận việc cổ phiếu SRA đang là cổ phiếu đáng giá trên sàn chứng khoán.
Vì sao SRA tăng “phi mã”?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/9, cổ phiếu SRA ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4, dư bán sàn 211.100 đơn vị và trắng bên mua. Đà giảm sàn của SRA có thể vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng những nhịp điều chỉnh có thể là cơ hội để mua vào cổ phiếu với giá tốt cho những “thợ săn lỡ tàu”.
Tuy nhiên, SRA có thực sự tốt như những gì đã và đang được thể hiện. Tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, cổ đông của Sara Việt Nam đã thông qua kế hoạch kinh doanh khá tham vọng của HĐQT.
Theo đó, năm 2018, tổng doanh thu dự kiến đạt 225 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế là 60 tỷ đồng, tăng 552% so với năm 2017.
Theo BCTC bán niên của doanh nghiệp, Sara ghi nhận doanh thu gấp 7,8 lần cùng kỳ, đạt 54 tỷ đồng; lãi ròng là 29,4 tỷ đồng, gấp 33 lần cùng kỳ năm trước.
Đây là kỷ lục doanh thu và lợi nhuận của công ty từ năm 2006 đến nay, nhưng mới hoàn thành được 24% mục tiêu về doanh thu và 48% mục tiêu về lợi nhuận năm.
Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu SRA tại thời điểm 31/12/2017 là 13.605 đồng mà hiện giá thị trường là hơn 50.000 đồng/cp. Giới chuyên gia cho rằng sự cong vênh đáng kể giữa giá trị ghi sổ và giá thị trường này là điều phi lý khó hiểu.
Theo Thông tư 09/2010/TT-BTC quy định về việc công bố thông tin, khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp mà không theo xu hướng chung của thị trường, hoặc giá cổ phiếu tăng trần hay giảm sàn từ 10 phiên liên tiếp trở lên, tổ chức niêm yết phải đưa ra bản giải trình lý do về việc tăng, giảm.
Tuy nhiên, đến nay, Sara Việt Nam vẫn chưa có động tĩnh gì về việc giải trình chuỗi tăng trần gấp đôi quy định phải công bố thông tin.
Linh Đan
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.