• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.270,90 +1,01/+0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.270,90   +1,01/+0,08%  |   HNX-INDEX   226,50   +1,00/+0,44%  |   UPCOM-INDEX   92,12   +0,39/+0,42%  |   VN30   1.349,72   +0,80/+0,06%  |   HNX30   488,36   +1,15/+0,24%
23 Tháng Mười 2024 8:35:58 CH - Mở cửa
“Để mời gọi doanh nghiệp FDI, điện luôn đi trước một bước”
Nguồn tin: BizLive | 24/09/2018 4:06:46 CH
Chất lượng điện năng đáp đáp ứng nhu cầu nhiều “ông lớn” ngoại.
 
Đánh giá về việc cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho phát triển công nghiệp, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, ngành Điện đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển công nghiệp.
 
“Nếu không có điện, đất nước không thể phát triển được, nếu không có điện nhân dân Việt Nam khó xóa đói, giảm nghèo được. Trong cơ cấu phụ tải điện, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 55-60%. EVN với chức năng và trách nhiệm của mình, luôn đảm bảo cung ứng điện tốt nhất, kể cả vào thời điểm nắng nóng khốc liệt”, ông Ngãi nói. 
 
Vị Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của nước ta trong thời gian qua cũng rất cao, đứng đầu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để mời gọi được những nhà đầu từ nước ngoài vào Việt Nam, trong những năm qua, điện luôn đi trước một bước. Chính nhờ việc cung cấp điện liên tục, ổn định, chất lượng điện tốt và giá điện rẻ, không phân biệt đối tượng bán điện là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, nên dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, góp phần thúc đẩy công nghiệp trong nước phát triển.
 
“Không phải ngẫu nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới có yêu cầu rất cao về chất lượng điện như, Tập đoàn Điện tử Samsung của Hàn Quốc lại đặt nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tập đoàn sản xuất chíp điện từ Intel của Mỹ lại đặt nhà máy tại khu Công nghệ cao TP.HCM. Có được lợi thế này là do chất lượng điện năng của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Ngãi nhấn mạnh.
 
Cũng theo ông Ngãi, liên tục trong những năm qua, ngành Điện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
 
Kết quả, tình hình sản xuất - kinh doanh đã mang lại hiệu quả tích cực. Trước đây, để lắp đặt công tơ phải mất 1 đến 2 tuần, hoặc làm thủ tục lắp đặt trạm biến áp chờ cả tháng. Còn bây giờ làm thủ tục lắp đặt trạm biến áp chưa đến 1 tuần, riêng công tơ chỉ 1-2 ngày. Vì vậy, Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 do tổ chức Doing Business - Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã đạt 78,69/100 điểm, vươn lên vị trí 64/190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, EVN đã đổi mới tư duy, chuyển từ cung ứng dịch vụ điện sang phục vụ khách hàng một cách văn minh, tất cả vì khách hàng và vì doanh nghiệp. Các tổng công ty điện lực, công ty điện lực đã chọn các chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu đạt mức ngang bằng các nước đứng đầu khu vực ASEAN. EVN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hệ thống điện. Trước đây, việc ghi chỉ số công tơ phải trèo lên cột, giờ đây đã chuyển sang đo đếm từ xa, vừa  hợp lý hóa nguồn nhân lực, vừa giảm phiền hà cho khách hàng. Việc thanh toán tiền điện cũng rất thuận lợi, khách hàng, doanh nghiệp không cần phải đến điện lực nộp tiền mà có thể nộp qua ngân hàng, hoặc ngồi nhà cũng có thể thanh toán được qua điện thoại thông minh.
 
Chất lượng, dịch vụ điện năng của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Qua khảo sát sơ bộ, cho thấy, các doanh nghiệp đã hài lòng với dịch vụ điện năng của EVN, rất ít khi cắt điện, một số khu công nghệ cao không cắt điện dù chỉ 1 phút và nếu trường hợp bất khả kháng, đều có thông báo cho khách hàng, các doanh nghiệp bố trí, sắp xếp phương án sản xuất.
 
Ông Ngãi cũng cho biết, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của các khách hàng công nghiệp, EVN cần cải tiến hơn nữa về tiếp cận điện, cải tiến về dịch vụ khách hàng, cải tiến hệ thống đo đếm điện và nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh, giảm bớt những nhân lực không cần thiết, tăng cường chất lượng quản lý và ứng dụng công nghiệp 4.0 vào quản trị kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và 29 thế giới thì không lý do gì chất lượng điện năng, năng suất lao động của Việt Nam không chiếm được ở vị trí đó.
 
Giải quyết dứt điểm vấn đề giá điện, hài hoà lợi ích các bên
 
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức ổn định từ nay đến năm 2030, trả lời câu hỏi, đâu là những thách thức đặt ra đối với EVN, ông Trần Viết Ngãi cho biết, kinh tế ngày càng phát triển, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, điện luôn phải đi trước một bước. Trong khi đó tỷ lệ đầu tư xây dựng, chỉ số tăng trưởng điện năng đều tăng gấp đôi so với GDP chính là thách thức đối với EVN.
 
“Theo cá nhân tôi, từ nay đến năm 2030, công suất nguồn điện của Việt Nam cần phải đạt khoảng 150.000 MW - 200.000 MW, tương ứng với đó là năm 2030, sản lượng điện phải đạt 500 tỷ kWh (năm 2017 trên 190 tỷ kWh) mới đủ năng lực phục vụ phát triển khoa học xã hội và đời sống nhân dân. Chính vì vậy, EVN cần tính toán nhiều giải pháp, phương án khác nhau”, ông Ngãi nói.
 
Thực tế, ngành Điện ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Trong số các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào ngành Điện do giá bán điện thấp, chậm thu hồi vốn. Chính vì vậy, để đảm bảo cung ứng đủ điện, không có cách nào khác Chính phủ giao EVN thực hiện với vai trò trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn điện phục vụ phát triển công nghiệp, Chính phủ cần giải quyết dứt điểm vấn đề giá điện, sao cho hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất điện và người sử dụng điện. Từ đó, EVN chủ động được nguồn tài chính phục vụ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện. Nếu như từ này đến 2030, mỗi năm ngành Điện có trong tay 10 tỷ USD đầu tư xây dựng thì sẽ yên tâm vô cùng, không phải “ăn đong” như hiện nay.
 
BẢO VY

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.