Báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận so với nửa đầu năm ngoái. Sau nửa năm, Vinacafe tạo ra 2.269 tỷ đồng doanh thu thuần, ghi nhận mức giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Hoạt động tài chính cũng ghi nhận doanh thu giảm mạnh từ 81,8 tỷ đồng xuống còn 31 tỷ đồng do lãi tiền gửi và lãi cho vay giảm trong khi chi phí lãi vay chỉ giảm 9,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Do vậy, sau 6 tháng đầu năm, hoạt động này chỉ mang về 11,6 tỷ đồng thu nhập trong khi nửa đầu năm ngoái, con số này là 52 tỷ đồng.
Trong khi chi phí bán hàng trong kỳ lại tăng mạnh gần 3 lần lên 37,4 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm 34,8%, xuống còn 39 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng, Vinacafe thu về 9,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh gần 82% so với nửa đầu năm 2017.
Về tài chính, thời điểm 30/06, tổng tài sản của Vinacafe đã giảm 102 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 2.227 tỷ đồng trong đó 57,7% là tài sản ngắn hạn. Tài sản dài hạn đạt 942,4 tỷ đồng chủ yếu là 367,6 tỷ đồng tài sản cố định và 443,2 tỷ đồng đầu tư tài chính.
Vinacafe hiện đầu tư vào 31 công ty con, 5 công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào 2 đơn vị khác với tổng giá trị đầu tư ban đầu 601,7 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6, Vinacafe đã trích lập dự phòng 158,5 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.
Sự sụt giảm tổng tài sản chủ yếu do tác động của khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. Cụ thể, Tiền gửi ngân hàng thời điểm cuối tháng 6 đã giảm gần 96% so với đầu năm từ 124 tỷ đồng xuống còn 24 tỷ đồng. Cùng với đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cụ thể là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng giảm 30 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến doanh thu tài chính sụt giảm mạnh trong kỳ.
Nợ phải trả của Vinacafe tính đến hết tháng 6 ở mức 922,3 tỷ đồng, tương đương 41,4% tổng tài sản trong đó nợ vay lên đến 578,7 tỷ đồng bao gồm 435,5 tỷ đồng vay ngắn hạn và 143,2 tỷ đồn vay trung, dài hạn. Ngoài ra, Vinacafe cũng tích lũy được 114,6 tỷ đồng bên cạnh 170,8 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khả quan, điểm đáng chú ý nhất về Vinacafe có lẽ là quá trình tái cơ cấu chậm chạp.
Trong số 18 công ty con cần cổ phần hóa, hiện Tổng công ty mới bắt tay vào xác định giá trị doanh nghiệp của 5 công ty là: Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715B, Công ty Cà phê Ia Ban, Công ty Cà phê 734, Công ty Cà phê Đắk Nông và Công ty Cà phê 705. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại cả 5 đơn vị này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Dự kiến, dù có cổ phần hóa đúng tiến độ hay không, Vinacafe sẽ được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. Ngoài Vinacafe, danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp sẽ chuyển sang siêu ủy ban quản lý còn có: Tập đoàn Cao su việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
THANH HÀ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.