Ngày 4/11, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex – ICT, HNX:
VCR) họp ĐHCĐ bất thường trình phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ, phê duyệt điều lệ tổ chức hoạt động mới và bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023.
Theo nội dung văn bản, Vinaconex – ICT dự kiến chào bán riêng lẻ 144 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 400% cho nhà đầu tư chiến lược, giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện từ IV/2019 đến quý I/2020. Số tiền thu về sẽ dùng để bổ sung vốn cho dự án Cái Giá, Cát Bà.
Ông Đào Ngọc Thanh, thành viên HĐQT Vinaconex – ICT, Chủ tịch HĐQT của công ty mẹ Vinaconex cho biết dự án được giao từ hơn 10 năm trước, đến nay đã quá thời hạn triển khai và đứng trước nguy cơ thu hồi. “Khi tôi về, nhìn dự án tôi rất tiếc”, ông Thanh nói tại đại hội.
Theo ông Thanh, Cái Giá là dự án tốt nhưng do Vinaconex trước đây là công ty Nhà nước, việc triển khai gặp khó khăn khiến nên dự án bị bỏ ngỏ và đến thời kỳ thu hồi. Công ty trước đó nợ rất lớn và không nộp được tiền sử dụng đất.
Vinaconex đã phải gấp rút đầu tư 300 tỷ đồng trái phiếu để trả tiền sử dụng đất cho TP Hải Phòng. Dù vậy, vì dự án đã có kế hoạch thu hồi, nên cần thực hiện nhiều “động tác” khác để giữ lại dự án. Ông Thanh cho biết có 2 điều kiện, thứ nhất là thanh toán đủ tiền cho Nhà nước và thứ hai là bản thân công ty phải đủ năng lực tài chính thực hiện dự án.
“Không nói chuyện đi vay để làm dự án 200 ha khổng lồ”, ông Thanh chia sẻ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phải đạt tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư. Dự án ban đầu được phê duyệt vốn đầu tư 10.800 tỷ đồng vì vậy vốn cần đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Phát hành cho nhà đầu tư chiến lược giới hạn điều kiện không được giao dịch cổ phiếu trong vòng 1 năm. Do đó, phương án này sẽ không ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu hiện nay và giao dịch cổ phiếu.
Trả lời cổ đông về lý do không chọn phương thức khác, ông Dương Văn Mậu, Chủ tịch HĐQT Vinaconex – ICT cho hay công ty đang lỗ nên không thể phát hành cho cổ đông hiện hữu, chỉ có thể chào bán riêng lẻ. Phát hành trái phiếu cũng không khả thi vì điều kiện dựa trên vốn chủ sở hữu. Trái phiếu không được tính vào năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Mặt khác theo ông Mậu, phát hành cho cổ đông chiến lược, nhà đầu tư khác muốn tham gia cũng công ty cũng chào đón. “Kể cả chúng ta có 10 triệu, trăm triệu, quy lại dồn lại để cùng đầu tư vào công ty”, ông Mậu nói. Các cổ đông muốn tham gia có thể liên hệ với doanh nghiệp.
Chủ tịch Vinaconex – ICT cũng cho biết thêm Vinaconex sẽ không tham gia vào đợt phát hành này. Công ty mẹ ưu tiên giữ lại dự án bằng mọi cách phải giữ được dự án, “nếu cố chấp, dự án không thể thực hiện thì số tiền bỏ vào 300 tỷ đồng cũng mất”.
Về đối tác phát hành, công ty sau khi được cổ đông thông qua sẽ tiến hành tìm kiếm. “Nếu Sungroup hay Vingroup tham giá thì quá tốt. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nói với Sungroup”, ông Thanh nói khi được hỏi về sự tham gia của các nhà phát triển bất động sản khác.
Sau khi tăng vốn thành công, được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh để triển khai dự án, công ty dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu sau 2-3 năm. Dự án cần xây dựng đạt đủ điều kiện, trước khi mở bán.
Kết thúc đại hội, cổ đông đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ, thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Nguyễn Xuân Đông và ông Hoàng Tuấn Khải, cùng đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm soát của ông Tôn Thất Diên Khoa.
Đồng thời, Hội đồng Quản trị của Vinaconex - ITC nhiệm kỳ 2018-2023 cũng sẽ giảm xuống 4 thành viên gồm ông Dương Văn Mậu - Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT gồm ông Đào Ngọc Thanh, ông Vũ Mạnh Hùng và ông Mai Khắc Trinh. Số lượng Ban kiểm soát điều chỉnh giảm còn 2 thành viên gồm ông Vũ Văn Mạnh và bà Lê Thu Minh.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.