Tại buổi hội thảo tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu Masan MeatLife (MML) diễn ra chiều nay, ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc, cho biết cổ phiếu sẽ lên sàn UPCoM ngày 9/12. Mức giá lên sàn chưa được tiết lộ.
Về lý do đưa cổ phiêu lên UPCoM, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ để lên sàn HoSE doanh nghiệp cần phải đáp ứng một số điều kiện, nhưng trong tương lai sẽ hướng đến sàn niêm yết. Masan MEATLife cũng chưa có kế hoạch tăng vốn.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh, công ty đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần thịt heo vào năm 2022 với doanh thu 1,5-3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế từ 200-450 triệu USD. Năm 2019, công ty sẽ có kết quả bằng hoặc cao hơn năm trước. Năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 13.977 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 96 tỷ đồng, giảm 85%.
Doanh thu và lợi nhuận MML đi xuống giữa khủng hoảng lợn
Chia sẻ về thách thức mở rộng thị phần trong những năm tới khi hiện nay tiêu thụ thịt heo trên thị trường chủ yếu vẫn là thịt nóng, người tiêu dùng chưa có thói quen dùng thịt mát, CEO Masan MEATLife cho hay điều này chỉ có thể thay đổi từng bước. Công ty sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, nhấn mạnh lợi ích của thịt mát, tạo các câu chuyện truyền thông quảng cáo và đưa sản phẩm dùng thử tới người tiêu dùng.
“Trung Quốc mất 10 năm để chuyển từ thịt ấm sang thịt mát, Việt Nam cũng cần thời gian để thay đổi”, ông Lâm cho hay.
Đối với nhận xét giá thịt của Masan MEATLife cao hơn 15-20% so với thịt heo thường, có thể là khó khăn khi tiếp cận thị trường, ông Lâm cho biết công ty đã thực hiện các cuộc khảo sát với người tiêu dùng và nhận thấy người tiêu dùng có thể chấp nhận mức giá này để đổi lấy chất lượng sản phẩm.
Về việc xử lý hàng tồn kho, công ty đang duy trì hàng tồn kho dưới 2%. Với những phần trên con heo khó tiêu thụ trên thị trường, công ty sẽ kết hợp với các nhà hàng, khách sạn để phân phối.
Trong tương lai, Masan MEATLife sẽ phát triển ngành thịt chế biến, nâng cao giá trị và cải thiện lợi nhuận. Bên cạnh đó, công ty có thể mở rộng sang các sản phẩm bò và gà.
Về các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, vị CEO cho hay chưa nhận thấy đối thủ trong cùng mảng thịt mát. CP hiện nay chủ yếu tập trung vào thịt nóng, theo ông Lâm nếu đầu tư nhà máy thịt mát, cũng cần thời gian khoảng 2 năm hoặc lâu hơn.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.