Bước sang năm Kỷ Hợi (2019), NDH có buổi phỏng vấn ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Fecon (HoSE:
FCN) về những triển vọng của lĩnh vực xây dựng và sự chuyển biến của doanh nghiệp trong năm qua.
- Năm 2018 với Fecon và bản thân ông như thế nào?
- Năm 2018, Fecon tham gia một số dự án lớn như Thép Hòa Phát – Dung Quất Quảng Ngãi, dự án Empire city - TP HCM với trị giá hợp đồng 800-900 tỷ cho mỗi dự án; nhận gói thầu đầu tiên tại Dự án Hóa dầu Long Sơn, có tổng mức đầu tư trên 5 tỷ USD; nhận hợp đồng tại dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và nhà máy nước thải Yên Xá – Hà Nội. Ngoài ra, Công ty đầu tư dự án điện măt trời đầu tiên tại Vĩnh Hảo – Bình Thuận.
Công ty cũng đã tái cấu trúc và thoái vốn tại Tổng CTCP Tư vấn thiết kế giao thông (TEDI) và CTCP Khoáng sản Fecon (FCM).
- Ông nhận định ra sao về thị trường xây dựng năm 2019?
- Năm 2019 sẽ là một năm sáng của thị trường xây dựng khi dòng vốn nước ngoài vào bất động sản vẫn tăng. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông… đang đổ vốn vào Việt Nam với nhiều dự án triển khai vào năm nay. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư như Vingroup, Sungroup, BRG, Novaland…tiếp tục triển khai các dự án lớn trên toàn quốc.
Tuy nhiên, ở mảng xây dựng hạ tầng, hiện nay việc hướng dẫn thanh toán đất cho đầu tư cơ sở hạ tầng, hay các quy định liên quan đến đất đai vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, cần sự quyết liệt hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương liên quan mới có thể giúp mạng lưới cơ sở hạ tầng thực sự phát triển, theo kịp với tốc độ phát triển nền kinh tế.
- Trong bối cảnh đó, những dự định của Fecon là gì?
- Hiện tại, Fecon đang theo đuổi nhiều dự án lớn, trong đó có các dự án công nghiệp như nhiệt điện, lọc hóa dầu, điện mặt trời, điện gió, các dự án FDI…; các dự án giao thông trọng điểm và hạ tầng đô thị như Metro, dự án thoát nước ngầm…
Các dự án này đang chậm, nhưng chắc chắn sẽ phải triển khai vì đã có thời gian chuẩn bị khá dài. Chúng tôi cũng tin tưởng Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để các cơ chế chính sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng thực sự được khơi thông, tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.
Năm 2019, Fecon sẽ thực hiện 3 dự án Nhiệt điện, 1 dự án hóa dầu, 1 dự án thoát nước ngầm và 3 dự án Metro tại Hà Nội và TP HCM. Đặc biệt, Metro tuyến số 3 của Hà Nội sẽ là điểm nhấn quan trọng. Hà Nội đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 2/4 ga ngầm, hy vọng 2 ga còn lại sẽ được giải phóng mặt bằng trong năm nay để các hạng mục tiếp theo được đồng loạt triển khai.
- Cuối năm 2017, ông từng đề cập đến định hướng "đi bằng 2 chân” của Fecon với các dự án hạ tầng và đầu tư năng lượng. Vậy công ty đã đạt được gì?
- Fecon vẫn đang rất kiên định với mục tiêu và tầm nhìn. Công ty đã hoàn thành Dự án Xây dựng Tuyến tránh TP Phủ Lý theo hình thức BOT. Trong năm qua, Fecon đang tiếp tục cùng lúc nghiên cứu 3 dự án giao thông và 5 dự án đầu tư năng lượng.
Fecon đã hoàn tất thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. EVN đã chấp thuận mua điện của Vĩnh Hảo 6 với giá 2.086 đồng/kWh, áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Cuối tháng 10/2018, nhà máy động thổ bắt đầu xây dựng với mục tiêu sẽ đi vào hoạt động, hòa lưới điện trước 30/6. Với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.361 tỷ đồng, công suất thiết kế 50 MW, sản lượng điện dự kiến 83 triệu KWh/năm.
- Năm qua, Fecon dự kiến phát hành cổ phần tăng vốn cho đối tác chiến lược, ông có thể cho biết tiến trình phát hành đến thời điểm này ?
- Hiện nay Fecon đang làm việc với 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Nếu không có biến động lớn, đợt phát hành sẽ được hoàn thành trong quý I hoặc đầu quý II/2019.
Năm qua, Fecon cũng đã hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và ESOP tăng vốn lên 943 tỷ đồng.
-Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán nhận định, cổ phiếu FCN rất ít biến động. Theo ông nguyên nhân đến từ đâu?
- Theo tôi, có 3 lý do khiến cho cổ phiếu
FCN năm vừa qua ít biến động.
Thứ nhất, thị trường chung năm vừa qua không thực sự tốt. Nhiều cổ phiếu ngân hàng và bất động sản lớn cũng không giữ được giá,
FCN cũng không thể nằm ngoài xu thế đó.
Thứ hai, các nhà đầu tư cá nhân cũng chưa nhiều "mặn mà" với các công ty xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp lớn chậm, chắc chắn như Fecon. Đa số nhà đầu tư tư nhân bị hấp dẫn bởi những giá trị gia tăng ngắn hạn hơn là dài hạn.
Thứ ba, Fecon chưa thực sự chú ý đến công tác truyền thông cho cổ phiếu mà mới chỉ tập trung vào các công việc kỹ thuật và phát triển kinh doanh cụ thể. Năm tới, chúng tôi chắc chắn sẽ thay đổi nhất định trong việc này để các nhà đầu tư nhận biết tốt hơn về giá trị cổ phiếu
FCN.
Xin cảm ơn ông.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.