Kỳ vọng dự án ngân hàng số sớm đi vào hoạt động
Chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2019 doThời báo kinh tế Việt Namtổ chức, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), dự án ngân hàng số đang được ngân hàng này thực hiện. Lãnh đạo ngân hàng cho biết dự án được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai và báo cáo sau vào cuối năm 2019.
Theo lãnh đạo Vietcombank, dự án ngân hàng số sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả khách hàng và ngân hàng và hỗ trợ chiến lược mua buôn bán lẻ của nhà băng này.
Để mua buôn, ngân hàng đưa ra dịch vụ tốt để khách hàng có nguồn vốn lớn đưa vào ngân hàng với lãi suất thấp hơn khi tính tổng thể chi phí. Còn muốn phát triển bán lẻ, Vietcombank cần mở rộng mạng lưới giao dịch truyền thống và điểm giao dịch công nghệ trên ngân hàng số. Ngân hàng có 534 điểm giao dịch, ít hơn của các ngân hàng lớn khác nên đẩy mạnh phát triển ngân hàng số là một trong các nhiệm vụ của ngân hàng.
Giải thích rõ hơn về chiến lược mà Vietcombank đang theo đuổi, ông Thắng cho biết mua buôn bán lẻ nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận, tạo điều kiện để có lãi suất ưu đãi cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2018, dư nợ tín dụng bán lẻ của Vietcombank tăng 34% và được xác định còn nhiều tiềm năng phát triển các năm tới. Tín dụng bán lẻ vừa có tài sản đảm bảo, số dư nợ thấp hơn trên mỗi món vay nên thu nợ thuận tiện hơn, lãnh đạo ngân hàng cho hay.
Đối với việc gia tăng dịch vụ ngân hàng số, cho vay qua công nghệ, một thách thức với các ngân hàng nói chung là câu chuyện quản trị rủi ro. Cơ quan quản lý cần nhiều chính sách để quản trị việc sử dụng công nghệ thông tin trong ngân hàng. Tại Vietcombank, ông Thắng cho biết ngân hàng đã có các dự án để quản trị rủi ro này.
Có thể mở rộng thêm tín dụng nếu điều kiện nền kinh tế phù hợp
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2019 tiếp tục duy trì ở mức khoảng 14%. Theo ông Thắng, việc giảm 1% tăng trưởng tín dụng từ mức 15% năm trước cũng sẽ khiến doanh số cho vay giảm tương đối lớn.
Để đạt mức tăng trưởng tín dụng 14% trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện tại với Vietcombank là không khó nhưng điều quan trọng hơn là quản trị rủi ro. Do áp dụng sớm Thông tư 41 - tiêu chuẩn Basel II của Việt Nam, Vietcombank nằm trong nhóm được ưu tiên về giới hạn tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng này có thể tăng thêm dư nợ tín dụng nhưng với điều kiện nền kinh tế tăng trưởng tốt, tín dụng tăng thêm có hiệu quả.
Năm 2018, Vietcombank là ngân hàng đạt được mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống và cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này. Ông Thắng khẳng định mục tiêu lợi nhuận năm 2019 chắc chắn cao hơn con số kỷ lục mà ngân hàng đạt được trong năm trước. Vietcombank kỳ vọng vẫn đạt được mục tiêu kinh doanh khi tăng trưởng tín dụng 14%.
Ngọc Linh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.