Kết phiên 4/3, cổ phiếu
BOT của CTCP
BOT Cầu Thái Hà (UPCoM:
BOT) có giá 51.000 đồng, tăng 410% so với mức tham chiếu trong ngày đầu tiên lên sàn vào giữa tháng 2.
Sau khi lên sàn, cổ phiếu này đã có 8 phiên trần liên tiếp và nối dài 5 phiên tăng điểm sau đó. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch luôn ở mức thấp, trung bình đạt gần 300 cổ phiếu mỗi phiên, cá biệt phiên 26/2 khớp lệnh 700 cổ phiếu.
BOT Cầu Thái Hà được thành lập vào năm 2014 với vốn điều lệ 245 tỷ đồng, theo quy định của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho việc huy động vốn và triển khai dự án đầu tư xây dựng Cầu Thái Hà. Qua 2 lần phát hành cổ phần, công ty nâng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng, tương đương 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trong đó 4 cổ đông lớn chiếm 95,17% gồm 3 doanh nghiệp và 1 cá nhân.
Hoạt động kinh doanh chính của
BOT Cầu Thái Hà là quản lý, vận hành xây dựng các công trình đường bộ đường sắt. Từ khi thành lập, công ty chỉ triển khai duy nhất dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt Sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam.
Tới nay,
BOT Cầu Thái Hà vẫn chưa phát sinh doanh thu, do dự án trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành thử nghiệm. Toàn bộ các chi phí quản lý, chi phí xây dựng và các chi phí liên quan khác không được công ty ghi nhận vào chi phí hoạt động mà quyết toán đưa vào tổng mức đầu tư của dự án.
Tổng tài sản của
BOT Cầu Thái Hà đạt gần 1.500 tỷ đồng, với gần 93% là chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 1.300 tỷ đồng.
BOT đang đang có 1.088 tỷ đồng nợ phải trả với hơn 1.038 tỷ đồng vay dài hạn.
Năm 2019, công ty dự kiến bắt đầu có doanh thu thuần hơn 88 tỷ đồng, lãi ròng trên 2 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến được tính từ tháng 3 đến tháng 12 do tuyến đường kết nối dự án
BOT đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang nghiệm thu và vận hành. Năm 2020, công ty kỳ vọng 2 chỉ tiêu này sẽ tăng trưởng 26%.
Dự án
BOT Cầu Thái Hà được xây dựng ở vị trí liên kết tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình. Lưu lượng xe của dự án phụ thuộc phần lớn vào tiến độ xây dựng 2 tuyến nối do Sở GTVT Hà Nam và Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư. Đến cuối năm 2018, khi hai tuyến đường nối hoàn thành, nhà đầu tư Dự án
BOT Xây dựng cầu Thái Hà có đủ điều kiện để tổ chức triển khai thu phí hoàn vốn dù đã tiến hành thông xe từ tháng 11/2016.
Tuy nhiên, sau khi được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép thu phí hoàn vốn từ ngày 10/1, công tác thu phí tại trạm
BOT cầu Thái Hà đã bị gián đoạn. UBND tỉnh Thái Bình đã đề nghị Bộ GTVT tạm dừng thu phí cầu Thái Hà do dự án BT Tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa được nghiệm thu bàn giao.
Những trắc trở trong công tác thu phí với dự án cầu Thái Hà có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh mà
BOT cầu Thái Hà đề ra trong giai đoạn tới.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.