Ngày 9/4, Bộ Thương mại Mỹ kết luận sơ bộ rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Công ty Sao Ta (HoSE: FMC) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018. Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty là 0%.
Vì đây là hai bị đơn bắt buộc trong đợt POR13 nên 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên cũng được hưởng mức thuế 0%. Danh sách cụ thể như sau:
Nguồn: US Department of Commerce
Ngược lại, với 67 công ty khác của Việt Nam không thuộc các trường hợp nêu trên, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất riêng nên sẽ chịu thuế suất thuế bán phá giá chung cho sản phẩm cùng loại từ Việt Nam là 25,76%. Trước đó, DOC ngày 9/8/2018 đã hủy bỏ rà soát đối với Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng và Seavina.
Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ sau thông tin này, Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng đây là tin vui cho ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam bởi với mức thuế này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới Bộ Thương mại Mỹ.
Mức thuế sơ bộ này cũng là nền tảng vững chắc để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới. Theo ông Lực, mức thuế này cũng sẽ tạo lòng tin cho các nhà nhập khẩu Mỹ duy trì và phát triển mua tôm từ Việt Nam.
"Dự báo nguồn cung dồi dào nên khả năng giá tôm nguyên liệu năm nay không sáng sủa như những năm trước. Tuy nhiên với mức thuế này, chúng ta có quyền hy vọng giá tôm sẽ khả quan hơn vào phút cuối", ông Lực nhận định.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.