Thị phần cá tra Việt Nam có xu hướng giảm
Cá tra Việt Nam đang ngày càng có nhiều “đối thủ” cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Trên tổng sản lượng cá tra toàn cầu, thị phần Việt Nam đang giảm, trong khi thị phần của Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh tăng khá nhanh. Mỗi quốc gia này hiện chiếm 15 - 20% sản lượng cá tra nuôi toàn thế giới.
Trung Quốc hiện là một nước nuôi cá tra nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng. Quốc gia này chủ trương phát triển mạnh ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và cá tra nói riêng vì họ nhận thấy nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường nội địa, trong khi nguồn cung phần lớn phải nhập từ Việt Nam.
Các báo cáo của ngành hiện cho thấy có 20 nhà máy chế biến cá tra nuôi được sản xuất tại Nam Trung Quốc. Năng lực sản xuất ước tính của Trung Quốc hiện tại mới chỉ đạt khoảng 30.000 tấn. Điều này cho thấy, Trung Quốc sẽ phải mất thêm một thời gian chuẩn bị nữa trước khi nước này trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự với cá tra Việt Nam về sản lượng.
Tuy nhiên, FAO cho rằng ngành thủy sản của Trung Quốc có khả năng đáp ứng một lượng lớn nhu cầu người dân nước này trong tương lai.
Tăng trưởng sản lượng tại các nước đối thủ có thể nhanh hơn, nhưng phần lớn sẽ chỉ tiêu thụ được ở nội địa. Vì vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia cung cấp cá tra quan trong nhất của thế giới, FAO cho biết.
Năm 2018, tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu ước đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, Việt Nam (tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long) chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu, với sản lượng thu hoạch năm 2018 đạt dưới 1,3 triệu tấn.
Đầu năm 2018, nguồn cung con giống thiếu hụt, khiến nguồn cung cá tra bị thắt chặt, giá con giống và cá tra thương phẩm tăng lên. Điều này dẫn tới nhiều nhà chế biến và người nuôi tiếp tục mở rộng quy mô ao nuôi, đẩy mạnh công nghệ nuôi.
Đầu năm 2019, một dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung với quy mô lớn 600 ha tại tỉnh An Giang đã được khởi công. Dự án này sẽ bắt đầu vào quý IV/2019. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, mỗi năm khu nuôi cá tra thương phẩm này sẽ cung cấp khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Để đẩy mạnh hình ảnh cá tra ra thị trường thế giới, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đang nghiên cứu khả năng thành lập quỹ phát triển thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và mở rộng mạng lưới thị trường ra nước ngoài.
Đây là cách tiếp cận tương tự như ngành thủy sản Na Uy. Thậm chí, ngành thủy sản Indonesia cũng đang theo đuổi một chiến lược tương tự để thâm nhập vào các thị trường Trung Đông. Hiện tại, phần lớn sản phẩm cá tra của Indonesia, Bangladesh hay Ấn Độ đều chỉ được tiêu thụ trong nước.
Cá tra Việt Nam sẽ nâng vị thế tại Mỹ, EU
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt kỷ lục 2,24 tỷ USD trong năm 2018 nhờ nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm khác có thể phục hồi trong những năm tới nhờ Chính phủ đã hoàn tất đàm phán thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU 28) và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa kết thúc.
Đặc biệt tại hai thị trường là Mỹ và EU, vị thế của cá tra Việt Nam có thể ngày càng lớn mạnh, theo dự đoán của FAO.
Nguyên nhân đầu tiên là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Chính quyền Mỹ đang áp thuế đối với một loạt sản phẩm cá rô phi của Trung Quốc, tạo ra một chỗ trống trên thị trường cá thịt trắng mà cá tra Việt Nam có thể chen vào. Sự thiếu hụt cá thịt trắng sẽ lớn hơn nữa do nguồn cung được dự báo bị thắt chặt trong năm nay.
Cùng với đó, Việt Nam đã hoàn tất nội dung thỏa thuận thương mại với EU trong năm 2018. Nếu được phê duyệt trong năm nay, thỏa thuận này sẽ xóa bỏ mức thuế 5,5% hiện tại đối với phần lớn sản phẩm cá tra sau 3 năm.
Nhu cầu tiêu thụ của thế giới được dự báo cải thiện trong khi tăng trưởng sản lượng cá tra tại Việt Nam chậm lại sẽ giúp giá tiếp tục giữ ở mức tương đối cao trong năm 2019, FAO dự đoán.
Phan Vũ/ Theo FAO
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.