Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính đến 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây con số đăng ký FDI 5 tháng đầu năm kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây.
Trong 5 tháng, các dự án FDI đã giải ngân được 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu như sau 4 tháng, phần điều chỉnh vốn giảm so với cùng kỳ thì đến nay, vốn đầu tư đã tăng ở cả 3 hợp phần đăng ký cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần.
Số lượng dự án, vốn góp của khối FDI trong 5 tháng. Đơn vị: triệu USD.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Khối FDI tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục ở vị thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xét theo đối tác đầu tư, Việt Nam có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn đầu tư. Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc đứng thứ hai với 2,62 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,09 tỷ USD. Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký là 2,02 tỷ USD và 1,52 tỷ USD.
Riêng về vốn đăng ký cấp mới, sau 4 tháng liên tiếp dẫn đầu, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 2. Trong tháng 5, Trung Quốc rót 250 triệu USD, xếp sau Hàn Quốc rót 357 triệu USD.
Tuy vậy, lũy kế 5 tháng, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm ưu thế với 1,56 tỷ USD với 233 dự án. Hàn Quốc ở vị trí thứ 2 với 1,05 tỷ USD của 395 dự án. Đây cũng là năm đầu tiên Trung Quốc có số vốn đăng ký mới vào Việt Nam lớn nhất.
Hà Nội là điểm thu hút vốn FDI lớn nhất. TP HCM và Bình Dương lần lượt ở các vị trí tiếp theo.
Các dự án lớn 5 tháng đầu năm
Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hong Kong) đầu tư tại Bắc Ninh.
Dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư tại Phú Yên sản xuất điện mặt trời.
Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.
Dự án Vinhtex, tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD do Royal Pagoda Private Limited (Singapore) đầu tư sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.
Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hong Kong) thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.
Nam Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.