Đủ gói cho vay nghìn tỷ
Thống kê tại các ngân hàng cho thấy, ngay từ đầu năm nay, một loạt gói cho vay ưu đãi lãi suất với quy mô hàng nghìn tỷ đã được tung ra nhằm thu hút khách hàng.
Đi đầu là “ông lớn” BIDV với gói tín dụng trung dài hạn có quy mô 30.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu vay mua nhà, ôtô, sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân.
Cùng với BIDV, Agibank cũng triển khai gói vay nhanh 5.000 tỷ đồng vào tháng 3. Theo gói vay này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng phục vụ các mục đích tiêu dùng khách hàng cá nhân, hộ gia đình và áp dụng lãi suất hợp lý với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày.
Tại MB, trong tháng 4, ngân hàng này đã tung ra gói vay ưu đãi lãi suất với quy mô 17.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu vay mua ôtô, bất động sản và vay sản xuất kinh doanh.
Không chỉ các “ông lớn”, những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng đưa ra nhiều gói cho vay hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.
ABBank triển khai gói cho vay 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi lên tới 12 tháng dao động ở mức 7%/năm. SHB cũng có gói dụng với hạn mức 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất và biên độ lãi suất ưu đãi lần lượt chỉ từ 9,5%/năm và 3,3%/năm…
Với khách hàng doanh nghiệp, Sacombank tung ra gói cho vay 9.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7%/năm, áp dụng đến 30/6.
Đầu tháng 1, TPBank tung ra gói cho vay ngắn hạn 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất áp dụng thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng với nhiều ưu đãi về lãi suất…
Vì sao ngân hàng đẩy mạnh gói vay nghìn tỷ?
Các gói cho vay “khủng” được triển khai ngay từ đầu năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá tham vọng trong năm nay.
Thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng của MB là 15% (vượt 2% so với chỉ tiêu NHNN giao), VPBank (15% vượt 3%), TPBank (20%, vượt 7%), HDBank (25%, vượt 12%), OCB (30%) và VIB (35%).
Một số ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng với chỉ tiêu được giao bao gồm Vietcombank (15%), Techcombank (13%), ACB (13%), BIDV (12%) và Vietinbank (7%). Trong đó, Vietcombank, ACB và Techcombank sẵn sàng đẩy mạnh tín dụng cao hơn nữa nếu được NHNN nới thêm chỉ tiêu.
Nguồn: VDSC
Theo nhận định của VDSC, với tình hình dư địa tăng trưởng tỷ lệ lãi cận biên (NIM) trở nên hạn chế cũng như các nguồn thu nhập không thường xuyên không còn dồi dào như trước, các ngân hàng sẽ phải trông cậy nhiều hơn vào khả năng mở rộng tín dụng để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận.
Mặt khác, việc các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm nay xuất phát từ kỳ vọng sẽ được NHNN nới room tín dụng khi đạt chuẩn Basel II. Trước đó, NHNN tuyên bố rằng các ngân hàng đạt chuẩn trước hạn sẽ được ưu tiên về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển mạng lưới.
Đến hiện tại, có tổng cộng 7 ngân hàng được NHNN phê duyệt tuân thủ Thông tư 41 (tức Basel II) bao gồm Vietcombank, ACB, MB, TPBank, OCB, VIB và VPBank. Các nhà băng này đều kỳ vọng NHNN sẽ xem xét nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao hồi đầu năm.
Chia sẻ tại họp ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank - cho biết ngân hàng này kỳ vọng sẽ được NHNN nới lên mức 20% trong năm nay. Năm 2018, ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% nhưng sau đó đã được NHNN nới lên 18,5%.
Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ kỳ vọng sẽ được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức 35% trong năm 2019.
Bên cạnh 7 ngân hàng đã đạt chuẩn, các ngân hàng còn lại cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục liên quan để được công nhận tuân thủ Thông tư 41, với hy vọng cũng được xem xét cấp thêm chỉ tiêu tín dụng. Đơn cử như Techcombank và HDBank đã nộp hồ sơ xin tuân thủ trước hạn từ đầu năm có thể sẽ được phê duyệt chính thức trong quý II.
Cùng với các kỳ vọng được giao hạn mức tín dụng cao hơn, một số ngân hàng cũng tung ra các gói cho vay tiêu dùng được cho là nhằm thực hiện chỉ đạo của NHNN trong việc hỗ trợ đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen.
Đây đều là những ngân hàng có mạng lưới giao dịch hoạt động rộng khắp tại các vùng nông thôn. Điển hình như trường hợp của Agribank với gói cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, giải ngân ngay trong ngày; hay gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của LienVietPostBank tại khu vực Tây Nguyên…
Trao đổi với Người Đồng Hành, một lãnh đạo ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho rằng việc các ngân hàng tung ra các gói tín dụng trong thời gian vừa qua ngoài một phần xuất phát từ kỳ vọng được nới room tăng trưởng tín dụng thì đây cũng là một phương pháp giúp họ quảng cáo thương hiệu và gia tăng sự hiện diện trên thị trường. Khách hàng vay được hay không, vay được đến đâu, ngân hàng giải ngân được bao nhiêu lại tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, các ngân hàng cũng tính tới các phương án để đẩy mạnh tín dụng sang các ngành nghề khác nhằm duy trì hiệu suất sử dụng vốn…
Quốc Thụy
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.