Giá dầu nguyên liệu biến động phức tạp
Sáng nay (10/6), CTCP Dầu thực vật Tường An (HoSE:
TAC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch HĐQT cho biết năm 2018, giá dầu cọ giảm 21% và dầu nành giảm 16%. Bà Hạnh đánh giá đây là diễn biến bất thường vì những năm trước, giá nguyên liệu dầu giảm một thời gian ngắn thì tăng lại nhưng từ 2018 đến nay, giá giảm chưa có điểm dừng.
Chủ tịch Tường An lý giải nguyên liệu đầu vào chiếm 80% cơ cấu sản phẩm. Giá nguyên liệu giảm thì sản phẩm ra thị trường cũng phải giảm theo. Tuy nhiên, Tường An luôn có sản phẩm dự trữ sẵn tại kho để đảm bảo lượng hàng cung cấp ra thị trường, có giá nguyên liệu cao. Như vậy, khi giá bán ra thị trường giảm theo giá nguyên liệu thì hàng này cũng phải giảm giá khiến doanh thu giảm.
Giá nguyên liệu đầu vào giảm trong năm 2018. Nguồn: TAC
Bà Hạnh còn cho biết, việc cạnh tranh sản phẩm ở phân khúc thấp cấp khá khốc liệt khi thị trường có nhiều công ty khác. Tuy nhiên, Tường An vẫn phải giữ sản phẩm này vì có đóng góp doanh thu, một phần giúp nuôi dưỡng kênh phân phối. Tuy nhiên, công ty sẽ cân nhắc việc ngưng bán hoặc kiểm soát sản phẩm chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, bà Hạnh chỉ ra yếu tố bất lợi cho lợi nhuận là chênh lệch tỷ giá USD/VND cũng tăng từ 2% lên 3% vào năm 2018, gây ảnh hưởng chi phí đầu vào.
Với tính hình nhiều bất thường như vậy, năm 2018, để đối phó và giảm thiểu rủi ro, Tường An đi vào 3 giải pháp trọng tâm: (1) cơ cấu và quy hoạch lại danh mục sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm cao cấp chuyên biệt, ít bị tác động bởi giá nguyên liệu đầu vào, bù đắp cho giá dầu đầu vào giảm; (2) tái cấu trúc hệ thống kênh phân phối và hệ thống vận hành công ty; (3) quản lý chặt chẽ chi phí.
Năm 2018, Tường An chỉ hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận năm, lần lượt đạt 4.408 tỷ đồng và 136 tỷ đồng. Thừa nhận 2018 là giai đoạn khó khăn, bà Hạnh xin nhận trách nhiệm trước cổ đông về việc đặt ra kế hoạch cao, quá lạc quan trên những nền tảng thực hiện năm 2017, dự báo tình hình chưa thực sự chính xác khi cho rằng ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ tăng trưởng tốt và không lường được chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động giá dầu.
Lãnh đạo Tường An thừa nhận dự báo chệch diễn biến ngành FMCG trong năm 2018. Ảnh: TAC
Kế hoạch 2019 thận trọng, tập trung sản phẩm cao cấp
Năm 2019, HĐQT trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần 3.854 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm 13% thì lợi nhuận đặt ra tương đương kết quả thực hiện năm trước.
Bà Hạnh dự báo các loại chi phí như giá điện có thể sẽ tăng. Tường An sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, chiến lược cao cấp hóa sản phẩm bằng việc xây dựng lại hình ảnh thương hiệu; tiếp tục phát triển hệ thống kênh phân phối; thâm nhập các ngành hàng mới.
Nói thêm về giá nguyên liệu, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO - công ty mẹ của Tường An, cho biết giá dầu trong năm 2018 đã giảm từ tháng 4. Tính chung cả năm, giá nguyên liệu giảm gần 10% so với năm trước.
Theo ông Tùng, các công ty trong ngành nghĩ mức giá này hấp dẫn, không riêng chỉ Tường An, đều có xu hướng mua vào. Tuy nhiên, giá liên tục giảm không ngừng lại, các lô hàng khi mua về tới Việt Nam mất một tháng. Như vậy, sản phẩm ra thị trường phải bán ở giá hiện tại chứ không phải giá mua quá khứ nên nguyên liệu vừa về tới thì công ty đã lỗ. Trong 6 tháng đầu năm nay, xu hướng giảm giá nguyên liệu vẫn tái diễn nên công ty vô cùng thận trọng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT khẳng định công ty mua nguyên liệu từ Malaysia và Indonesia, không phải nhập từ Trung Quốc hay Mỹ. Thương chiến sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, giá nguyên liệu chứ không ảnh hưởng nguồn mua.
5 tháng lợi nhuận 50 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ
Trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, đại diện công ty cho biết doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 18% cùng kỳ do quý I bán cầm chừng. Lợi nhuận đạt 50 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với năm 2018 hơn 7 tỷ đồng.
Cổ tức Tường An dự kiến chi trả cho năm 2018 là 24% bằng tiền. Với năm 2019, tỷ lệ này được HĐQT trình 20%. Bà Hạnh nói thêm, tỷ lệ cổ tức 2019 có thể tăng thêm nếu tình hình kinh doanh có khả quan, khi Tường An áp dụng các giải pháp ứng phó.
Với kế hoạch trả cổ tức 24%, bà Hạnh nói sẽ tiến hành ngay khi cổ đông thông qua trong Đại hội hôm nay.
Lãnh đạo Tường An khẳng định chiến lược “Lấp đầy gian bếp Việt” sẽ tiếp tục được duy trì, tuy nhiên với tình hình hiện tại, công ty sẽ hạn chế gia nhập ngành hàng mới. Các sản phẩm như mì gói, snack thâm nhập khá thành công, nếu khả thi sẽ tiếp tục sản xuất nhưng trên cơ sở thận trọng. Đồng thời, Tường An cũng chưa có kế hoạch mở rộng nhà máy, nhất là khi công suất hiện nay đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu và công ty đang tập trung cho sản phẩm cốt lõi, giữ vững biên lợi nhuận.
Khổng Chiêm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.