Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết vào ngày 30/6, đánh dấu mốc lịch sử cho quan hệ thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Cùng với CPTPP được ký kết đầu năm nay, EVFTA được cho là sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng.
Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE:
FMC) về cơ hội và thách thức mà EVFTA mang đến cho ngành tôm Việt Nam.
- Nhiều ý kiến cho rằng EVFTA được ký kết mở ra một con đường mới cho ngành nông sản nước nhà, trong đó có ngành tôm. Góc nhìn của ông ra sao?
- Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết từ nhiều năm qua, EVFTA có tác động mạnh nhất đối với ngành tôm Việt. Các hiệp định thương mại song phương với Hàn Quốc (KVFTA) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam với Nhật Bản (JVFTA) chỉ đưa tôm Việt nhập vào các nước thuộc những hiệp định này trong bối cảnh chỉ vài phần trăm thuế trước đó về bằng 0%.
CPTPP gồm 11 nước tham gia, có 3 nước tiêu thụ tôm Việt khá tốt là Nhật Bản, Canada và Australia. Nhật Bản thì chúng ta đã có JVFTA trước đó. 2 nước còn lại có mức thuế nhập tôm bằng 0% trước khi có hiệp định. Nhưng EVFTA khác hẳn, sẽ tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường tôm Việt.
- Ông vừa nói đến các bước ngoặt, cụ thể là như thế nào?
- Tôm được bán vào EU nếu không có Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) thì thuế tôm nguyên con hoặc còn vỏ bỏ đầu xoay quanh 5% (làm tròn số - PV). Đây là thế mạnh của tôm Ấn Độ, Ecuador, một số nước Nam Mỹ. Với tôm chế biên như lột vỏ, cấp đông rời thì mức thuế khoảng 10%, còn loại chế biến sâu hơn như tẩm gia vị, bao bột, hấp chín… thuế là gần 20%. Tôm chế biến là thế mạnh của Việt Nam, Thái Lan.
Trước khi có EVFTA, tôm Việt hưởng ưu đãi GSP khiến thuế có thể giảm tới một nửa tuỳ dòng sản phẩm. Trong khi đó, đối thủ tôm lớn nhất tôm Việt là Thái Lan mất ưu đãi này sau năm 2015. Nhờ đó, thị phần tôm Việt ở EU tăng dần 3 năm qua và năm 2018 EU đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm Việt.
Do vậy, cơ hội nêu ra sau khi có EVFTA là lợi thế cạnh tranh tôm Việt ở EU mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện ở 2 nội dung: Đầu tiên là tôm Việt Nam bán vào EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh mà chỉ có Thái Lan và Indonesia. Thứ hai là thuế suất của tôm chế biến rất cao (10-20%), điều này khiến các đối thủ vừa nêu càng khó cạnh tranh vì chêch lệch giá thành nhập khẩu cao quá.
Lợi thế tiếp theo là trình độ chế biến tôm của các doanh nghiệp Việt Nam huộc cấp cao. Họ có thể tận dụng cơ hội này chiếm lĩnh khúc thị phần cao cấp. Tôm chế biến cao sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn sản phẩm cấp thấp, các doanh nghiệp tôm có cơ hội gia tăng lợi nhuận và chia sẻ ít nhiều với người nuôi tôm, tạo cú hích mạnh ngành tôm Việt Nam những năm tới.
Thu nhập đầu người ở khu vực EU cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích thì càng được ưa chuộng. Điều này cũng có nghĩa là phân khúc thị trường cao cấp rất rộng, đủ dư địa để các doanh nghiệp tôm Việt Nam lựa chọn những hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng.
- Như ông phân tích bên trên, ngành tôm Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhưng trong tăng trưởng thị phần tại EU thì thách thức của chúng ta sẽ như thế nào?
- Chúng ta thấy cơ hội là rất lớn nhưng không hẳn là dễ tăng trưởng thị phần tôm Việt ở EU nhanh được. Điều gì cũng có giá của nó. Muốn tôm vào được những hệ thống phân phối cao, các doanh nghiệp tôm của Việt Nam phải đáp ứng một số tiêu chuẩn.
Đầu tiên là khâu tổ chức chế biến. Việc đáp ứng thể hiện ở các khía cạnh như cơ sở phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của của quy định chung lẫn quy định riêng từng hệ thống. Về các phần cứng, doanh nghiệp có thể dùng tiền đầu tư hoàn thiện.
Dù vậy, thứ khó lòng đáp ứng ngay được hết các nội dung yêu cầu là quy định trách nhiệm xã hội. Điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội của Việt Nam khác với EU. Chuyện làm thêm, ngày nghỉ cho người lao động là bài toán khó cho doanh nghiệp Việt Nam trong hoàn cảnh chế biến thuỷ sản là ngành khá vất vả, không thu hút được người lao động như ý muốn.
Vào vụ nếu không tăng ca, nguyên liệu có thể hư hỏng, gây thiệt hại. Còn nếu tăng ca, làm thêm giờ thì Bộ Luật Lao động của ta lại “tự ghè chân mình” với quy định về số giờ làm thêm hàng tuần, hàng tháng, hàng năm quá khiêm tốn. Các hệ thốnng từ EU mua tôm của những doanh nghiệp Việt Nam thuê bên thứ ba có thể vào cơ sở chế biến bất cứ lúc nào để kiểm tra thực trạng, sổ sách. Rất dễ có sai sót.
Thứ hai là nguồn tôm nguyên liệu. Đa số hệ thống phân phối cao cấp không chỉ đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc mà còn yêu cầu tôm cung ứng phải nuôi đạt chuẩn ASC.
Để đạt chuẩn này, các cơ sở nuôi phải có tài chính đủ mới đáp ứng việc đầu tư theo quy định và quy mô nuôi phải khá lớn mới chia sẻ được chi phí đầu tư thêm vừa nêu. Tình hình nuôi tôm của chúng ta hiện nay tương đối khó xử bởi chúng ta nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, chưa kể người nuôi tôm thiếu vốn và ít đất. Vì thế mà hiện nay, diện tích nuôi đạt chuẩn nói trên chỉ đạt khoảng 5% diện tích nuôi tôm trên cả nước.
- Một số chuyên gia thương mại cho rằng với EVFTA, cơ hội của Việt Nam là có nhưng chúng ta chỉ nên lạc quan dè dặt. Vậy theo ông, làm như thế nào để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn hơn?
- Nói gì thì nói, 20% thị phần tôm Việt tại EU cũng nói lên nỗ lực của các doanh nghiệp tôm Việt Nam các năm qua. Các thương nhân tôm Việt Nam không ai là không lộ rõ niềm vui khi EVFTA vừa được ký kết.
Nhưng niềm vui này của các doanh nghiệp tôm sẽ trọn vẹn hơn khi có sự đồng hành kịp thời của Chính phủ và bộ ngành liên quan, tôi nghĩ đó là kiến nghị sửa đổi sớm một số điều khoản trong Bộ Luật Lao động cho tương đồng khi hội nhập, sửa đổi sớm quy định tích tụ tập trung đất đai trong Luật Đất đai, hình thành các trang trại nuôi lớn đạt chuẩn theo yêu cầu của thị trường, là quan tâm hơn đến việc thông thoáng tínn dụng cho ngành nuôi tôm…
Nói chung, để biến lợi thế từ EVFTA thành của cả vật chất tăng thêm như mong đợi, tôi nghĩ còn nhiều việc phải làm. Thủ tướng nói EVFTA là đại lộ nối Việt Nam với EU. Đại lộ đó dài lắm, muốn đến sớm thì cần có những cỗ xe tốt. Cỗ xe tốt đó là tương tác kịp thời, nhanh nhất của cả hệ thống với cộng đồng doanh nghiệp có liên quan. Thời cơ không chờ lâu khi mà một số nước cũng đang rục rịch có đàm phán thương mại tự do với EU.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.