Bộ phận Phân tích Khối Khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán SSI - SSI Retail Research vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8. Báo cáo nhận định tâm điểm tháng 8 là những đòn “ăn miếng trả miếng” theo mức độ ngày càng gay gắt của 2 bên Mỹ- Trung.
Sau một tháng lắng dịu, cuộc chiến được khởi động lại với tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1/9 của Tổng thống Trump. Và lần này, ngoài thuế quan đáp trả, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã chủ động nâng tỷ giá tham chiếu và để đồng CNY mất giá qua mốc 7 CNY/USD – ngưỡng tâm lý vẫn được coi là sự thể hiện thiện chí của phía Trung Quốc trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Dù Mỹ có phản ứng bằng việc gán nhãn thao túng tiền tệ, PBOC vẫn liên tục hạ giá đồng nội tệ, CNY ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất theo tháng kể trong vòng 25 năm qua. Cụ thể, tỷ giá tham chiếu USD/CNY tăng mạnh từ 6,8841 lên 7,0879, tương đương mức tăng 3% so với tháng trước; tỷ giá giao dịch tăng từ 6,8842 lên 7,1567, tương đương mức tăng 3,96% so với tháng trước và 4,04% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục bơm mạnh tiền vào nền kinh tế và thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cho vay để tăng hiệu lực điều hành của PBOC sau khi đón nhận các thông tin về tăng trưởng tín dụng, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ kém tích cực của tháng 7. Làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu lan rộng, có 23 NHTM đã giảm lãi suất điều hành trong tháng 8 và theo tính toán của Central Bank News, mức lãi suất danh nghĩa trung bình của 95 ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới đã giảm 38 điểm cơ bản kể từ đầu năm đến nay.
Diễn biến này càng hối thúc Tổng thống Mỹ tăng sức ép lên Fed. Tuy vậy, cơ quan này vẫn từ chối lời đề nghị của Trump và nhấn mạnh sự độc lập của mình. Xác suất Fed giảm lãi suất tại phiên họp 18/9 vẫn ở mức rất cao nhưng nhiều khả năng Fed sẽ chỉ giảm ở mức tối thiểu 25 điểm cơ bản, xuống vùng 1,75 -2%/năm. Đồng USD tiếp tục mạnh lên, chỉ số DXY lên sát mức 99, hầu hết các đồng tiền đều giảm giá so với USD ngoại trừ các đồng tiền trú ấn như JPY, CHF.
Sự leo thang của cuộc chiến Mỹ - Trung cộng hưởng với các chỉ báo kinh tế bi quan của Anh, Châu Âu, bất ổn Hồng Kông, căng thẳng Nhật Bản- Hàn Quốc, khủng hoảng ở Argentina đã khiến tâm lý e sợ rủi ro dâng cao. Các kênh trú ẩn đều tăng giá mạnh: vàng tăng 7,5% so với tháng trước, lên vùng trên 1.500 USD/oz – vùng đỉnh trong hơn 6 năm gần đây; đồng JPY tăng 2,3% tháng trước Mỹ tiếp tục giảm sâu ở tất cả các kỳ hạn, đường cong lợi tức đảo ngược với kỳ hạn 2 năm và 3 tháng lớn hơn kỳ hạn 10 năm, lợi tức kỳ hạn 30 năm ở mức thấp nhất trong lịch sử (1,9626%/năm).
Trâm Anh (SSI Retail Research)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.