Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 0,2%, với hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm.
Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,4% và 0,1%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand tăng 0,3 - 0,5%.
Tại Trung Quốc, cổ phiếu tăng điểm sau khi chính phủ công bố số liệu GDP quý IV/2019. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng 6% trong quý cuối cùng của năm 2019, bằng với kỳ vọng của thị trường nhưng ở sát mức thấp nhất gần 30 năm qua. Nguyên nhân là nhu cầu trong nước và quốc tế yếu ớt, đồng thời áp lực thương mại từ phía Mỹ vẫn lớn.
Tính chung cả năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 6,1%, mức thấp nhất trong 29 năm qua nhưng vẫn năm trong mục tiêu 6 - 6,5% của chính phủ. Cổ phiếu diễn biến trái chiều, với Shanghai Composite tăng 0,05 nhưng Shenzhen Composite giảm 0,3%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6%.
Giới đầu tư kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ khả quan hơn trong năm 2020 khi Washington và Bắc Kinh vừa ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1, giúp giải quyết một phần mâu thuẫn thương mại giữa 2 nước. Ngoài ra, chính phủ Bắc Kinh được cho là sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kích thích khác để thúc đẩy tăng trưởng.
Trên quy mô toàn cầu, giới phân tích cho rằng thị trường cổ phiếu thế giới có thể khó duy trì được động lực tăng sau đợt tăng điểm vừa qua. Nguyên nhân là giới đầu tư đánh giá còn nhiều bất ổn trong đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 vì Mỹ vẫn giữ nguyên thuế hiện hành với các hàng hóa còn lại của Trung Quốc.