• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
19 Tháng Mười 2024 5:25:00 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp kêu khó, cần tiếp sức để vượt qua giai đoạn dịch bệnh
Nguồn tin: Vietnam+ | 13/10/2020 4:38:33 CH
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến nguồn ngân sách là 200 tỷ đồng để tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao.
 
Đơn hàng sụt giảm, tồn kho tăng cao, đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh COVID-19.
 
Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất-kinh doanh cũng là nội dung chính của buổi “Đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực,” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 13/10, tại Hà Nội.
 
Hệ lụy của dịch bệnh
 
Theo ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần khóa Việt Tiệp, dịch COVID-19 đã khiến tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp giảm sút.
 
Dự kiến năm 2020, doanh nghiệp đã phải hạ thấp chỉ tiêu kế hoạch khoảng 14% cũng như có các phương án cho các năm tiếp theo để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước.
 
"Việc bắt tay sử dụng tốt các dịch vụ của nhau trong giai đoạn này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất," ông Thắng đề xuất.
 
Còn theo bà Dương Thu Phương, Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp FDI không sang được Việt Nam, kéo theo các hoạt động sản xuất phải tạm dừng.
 
Vì vậy, các hợp đồng của doanh nghiệp với đối tác cũng giảm sút, với sản lượng thực hiện chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
“Nếu như năm ngoái có 716 nhân sự, thì đến tháng 7/2020  đã có hơn 140 người làm đơn xin nghỉ việc do công ty không đủ công ăn việc làm cũng như người lao động cảm thấy bấp bênh và có kế hoạch khác,” bà Phương nói.
 
Điều bà Phương băn khoăn nhất chính là trong giai đoạn khó khăn song nhiều chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, hay bảo hiểm và các chi phí khác... vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
 
“Nhiều chính sách hỗ trợ thực tế vẫn chỉ trên truyền hình, chưa đến tay doanh nghiệp, do đó cần tiếng nói của các cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này,” bà Phương bày tỏ.
 
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp sản phẩm công nghệ là vốn.
 
Song với đặc thù ngành nghề, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không thể mang tài sản trí tuệ ra thế chấp ngân hàng, do vậy ông mong muốn thông qua hội nghị này, Sở Công Thương có thể kiến nghị thành phố có chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Cùng với đó, thành phố cần đẩy mạnh các chương trình kết nối cung-cầu, các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm mở rộng thị trường và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh hậu COVID-19.

 
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
 
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
 
Theo báo cáo của Sở Công Thương, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (2018-2020), Hà Nội đã xét chọn và công nhận khoảng 121 sản phẩm của 80 doanh nghiệp trên địa bàn.
 
Đây đều là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đạt trên 100.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD.
 
Dù vậy, theo ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, qua 3 năm triển khai đề án vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ, xứng tầm và đủ mạnh dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để thu hút, kiến tạo và thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội trở thành một thương hiệu uy tín, có sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn, có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao có thể đóng góp lớn vào nền kinh tế Thủ đô (trong đó có các doanh nghiệp FDI) vẫn chưa tham gia và hưởng ứng chương trình.
 
Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp 40-50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ tham mưu để thành phố ban hành các chính sách phát hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.
 
Trong Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội dự kiến nguồn ngân sách là 200 tỷ đồng để tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao, từng bước hình thành các sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
 
Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, Sở cũng ủng hộ việc thành lập Hội doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực nhằm dẫn dắt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và là “cánh chim đầu đàn” thúc đẩy sản xuất trên địa bàn Thủ đô phát triển.
 
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với các thương vụ để liên tục cập nhật các thông tin về thị trường nước ngoài, dự báo các hoạt động xuất nhập khẩu để doanh nghiệp chủ động các phương án sản xuất kinh doanh cũng như ứng phó hiệu quả với diễn biến thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của sản phẩm./.