Việc nông sản Việt Nam đang phải chịu chi phí logistics quá lớn không còn là mới, song để tìm được giải pháp để hạ chi phí này vẫn là bài toán nan giải.
"Đau đầu" là cụm từ được bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam nhiều lần nhắc tới khi nói về chi phí logistics trong tiêu thụ nông sản.
Phí logistics gấp đôi khu vực
Bà Hằng kể, trước đây khi còn xuất khẩu nông sản tươi, có thời điểm 1kg rau xuất khẩu sang Trung Quốc, công ty phải trả tới 700 đồng cho phí logistics. Điều này khiến rau của Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng của Trung Quốc. Thậm chí, khi đã chấp nhận trả giá cao, doanh nghiệp cũng không gọi được xe vận chuyển. Đó là "nỗi đau" của những người làm doanh nghiệp.
Nông sản Việt Nam lép vế vì chi phí logistics quá cao.
Những tưởng xây dựng được nhà máy, chuyển sang làm hàng chế biến sâu thì sẽ hết khó khăn, nhưng Chủ tịch Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam cho biết, bà vẫn rất "đau đầu" vì phí logistics. Doanh nghiệp muốn chế biến thì phải có nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy mô sản xuất còn manh mún, doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ nhiều vùng trên cả nước, dẫn tới giá thành vẫn bị đội lên cao.
Ông Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại kiêm Tổ trưởng Tổ thị trường châu Âu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang chiếm 20-25% tổng chi phí, là con số khá cao so với mức trung bình 10-15% ở các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng yếu, quy mô nhỏ lẻ, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp logistics còn hạn chế..., nên chưa đủ để hạ giá.
Thống kê của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cũng cho thấy, chi phí logistics với quả vải thiều đang chiếm 30-45%, chuối: 30%, gạo: gần 20%... Đáng chú ý, phí logistics từ tháng 3 - 6/2020 đã tăng tới 100% so với năm 2018. Chi phí logistics tăng mạnh qua từng năm, nếu không cắt giảm chi phí này, nông sản Việt rất khó cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 cũng chỉ ra, cà phê là một trong những mặt hàng bị đội chi phí vận chuyển khá nhiều khi đưa sản phẩm từ Tây Nguyên xuống cảng Cát Lái. Tổng chi phí logistics vận tải nội địa năm 2018 của mặt hàng này là 35 triệu USD, xấp xỉ 10% tổng giá trị xuất khẩu.
Trước phản ánh chi phí logistics quá cao, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta - doanh nghiệp logistics, cho rằng nguyên nhân một phần là sự liên kết giữa doanh nghiệp nông sản và logistics còn lỏng lẻo. Hiện, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản đang duy trì đội xe riêng để phục vụ nhu cầu của mình. Doanh nghiệp nông sản chỉ cần doanh nghiệp logistics vào thời gian cao điểm như dịp lễ tết.
Tuy nhiên, dịp này cũng là giai đoạn mà doanh nghiệp logistics đang bước vào cao điểm. "Vì vậy, nếu phải lựa chọn một bên là khách hàng thường xuyên và khách hàng theo tháng thì tất nhiên chúng tôi sẽ lựa chọn khách hàng thường xuyên. Đó là lý do khiến doanh nghiệp nông sản có thời điểm gọi xe không được", ông Nghĩa cho biết.
"Điểm yếu" phụ thuộc vận tải đường bộ
Tính thời vụ của nông sản Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics bị đội lên quá cao. Doanh nghiệp đầu tư đội xe nhưng chỉ đến vụ mới có việc làm nhiều, phí tất nhiên sẽ cao. Ví dụ vào cao điểm vụ thanh long, doanh nghiệp, HTX ở tỉnh Bình Thuận có khi phải trả 70-100 triệu đồng/container để vận chuyển thanh long lên cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi lẽ, ngoài chi phí vận chuyển, doanh nghiệp logistics còn phải tính tới các chi phí vô hình khác như đợi chờ thông quan...
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cũng nhìn nhận, còn một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là Việt Nam đang phát triển mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Ông Nghĩa dẫn chứng, để một xe container chạy từ Hà Nội vào TP. HCM và ngược lại, doanh nghiệp phải trả lương cho tài xế 11 triệu đồng, dầu 13 triệu đồng, phí cầu đường 9 triệu đồng, tiền thay lốp xe 7-8 triệu đồng. Trong khi đó, vận tải đường thủy hiệu quả gấp 200 lần, 1 container chỉ tốn trên dưới 10 USD, một con tàu có thể chở nhiều container.
Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng: "Việt Nam cần phải giảm tỷ trọng vận tải đường bộ. Để làm được điều này phải có sự đầu tư lớn vào hạ tầng đường sắt, đường thủy... Từ đó mới có khả năng kết nối giữa các phương thức vận chuyển".
Còn theo ông Triệu Thành Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản sang EU. Để cạnh tranh, việc giảm phí logistics là rất quan trọng. Theo nguyên tắc, khối lượng vận chuyển, quy mô thị trường lớn thì ắt giá thành sẽ rẻ. Điều đó đòi hỏi Nhà nước cần có quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, từng bước kết nối đa phương thức vận tải hợp lý.
Bà Diễm Hằng dẫn ví dụ cho thấy, Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào vận chuyển đường bộ, trong khi đường thuỷ, đường biển rất tiềm năng, chi phí rất rẻ lại chưa phát triển. Có thể khai thác tốt những loại hình mới này sẽ giúp nông sản giảm được giá thành, người nông dân và doanh nghiệp bớt lo "được mùa thì mất giá, mà được giá thì mất mùa".
Mặt khác, bà Hằng cũng cho rằng, logistics cho nông sản còn nằm ở câu chuyện quy hoạch vùng nguyên liệu rộng lớn, ở mỗi vùng nguyên liệu cần có chính sách thu hút đầu tư nhà máy chế biến sâu. Đây sẽ là giải pháp lâu dài để tăng sức cạnh tranh cho ngành nông sản Việt Nam.